Công an Hà Tĩnh chỉ cách nhận diện thủ đoạn lừa đảo, khuyến cáo người dân tránh “bẫy”

(Baohatinh.vn) - Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong 28 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản 6 tháng đầu năm 2021 đã có đến 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sàn lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng.

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên đia bàn Hà Tĩnh ngày càng diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 28 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại khoảng 17,1 tỷ đồng (tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sàn lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng.

Công an Hà Tĩnh chỉ cách nhận diện thủ đoạn lừa đảo, khuyến cáo người dân tránh “bẫy”

Vào đầu tháng 3/2021, Báo Hà Tĩnh đã có loạt bài cảnh báo về giao dịch tiền ảo, ngoại hối trái phép nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy các “siêu lừa”.

Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ thiếu cảnh giác của người dân, sử dụng công nghệ cao, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như: lợi dụng lòng tin, đưa các thông tin gian dối để thuê, vay, mượn tài sản rồi chiếm đoạt, hứa hẹn xin việc làm, xuất khẩu lao động; lập tài khoản mạo danh hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền;

Giả danh cơ quan tố tụng gọi điện yêu cầu chuyển tiền đảm bảo phục vụ xác minh thông tin; gọi điện thoại thông báo trúng thưởng yêu cầu chuyển trước các khoản phí; giả danh nhân viên hải quan, thuế, sân bay gọi điện yêu cầu nộp tiền bảo đảm để nhận quà; lừa đảo trong quá trình mua bán trực tuyến; lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online...

Đáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên hoạt động kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối trái phép trên mạng internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...

Tại địa bàn Hà Tĩnh phát hiện nhiều người dân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối trái phép như: FX Trading Markets, My Crowd 1 Wefinex, Magic Option... với nhiều người là leader (trưởng nhóm, người môi giới đại lý) thường xuyên kêu gọi người dân tham gia đầu tư.

Các nhóm môi giới mời gọi người dân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối với lợi nhuận hứa hẹn cao bất thường (từ 15 - 30%/tháng); một số sàn có dấu hiệu hoạt động theo mô hình đa cấp trái phép; sử dụng tiền của người sau trả cho người trước; hình thức đầu tư không rõ ràng; chủ sàn có thể can thiệp vào hệ thống, thay đổi kết quả khiến nhà đầu tư bị thua lỗ.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa cấp phép hoạt động cho bất cứ sàn Forex nào, do đó hoạt động của các sàn Forex ở Việt Nam là hoạt động trái phép; việc các cá nhân đầu tư mua, bán tiền ảo, ngoại hối tại các sàn Forex này là trái quy định của pháp luật. Đáng chú ý vừa qua, việc sàn FX Trading Markets của nhóm Lion Group bất ngờ thông báo dừng hoạt động khiến nhiều người dân đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản đã đầu tư, kéo theo nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội.

Công an Hà Tĩnh chỉ cách nhận diện thủ đoạn lừa đảo, khuyến cáo người dân tránh “bẫy”

Cơ chế hoạt động của Lion Group với cách thức thông qua trưởng nhóm - leader.

Để chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các vi phạm có liên quan, BCĐ 138 tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các thành viên và BCĐ 138 các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21 ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11 ngày 16/9/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác cho quần chúng Nhân dân trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án điển hình, nhất là tuyên truyền về các thủ đoạn mới xuất hiện liên quan đến hình thức kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, khuyến cáo người dân không tham gia hoạt động đầu tư tiền ảo, ngoại hối trái phép, cảnh báo nguy cơ, rủi ro lừa đảo, hậu quả tác hại trong hoạt động này.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đưa công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào thực hiện xuyên suốt, đồng bộ, gắn chặt với các chương trình phòng, chống tội phạm khác trên địa bàn. Đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm tích cực cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng công an trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.

Các cơ quan, tổ chức quán triệt cho đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật không tham gia hay tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối trái phép; tích cực tuyên truyền cho người thân trong gia đình và những người xung quanh nêu cao tinh thần cảnh giác tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các loại tội phạm khác. Thường xuyên kiểm tra, quản lý cán bộ, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm hoạt động như: đất đai, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu lao động...

Thường xuyên tổ chức rà soát, kiến nghị các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước và những bất cập trong các quy định của pháp luật. Thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật cho người dân về các chủ trương phát triển kinh tế, an ninh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng... trên địa bàn.

Thận trọng khi tiếp nhận tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức, hội nhóm liên quan đến các sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối trái phép, không để các tổ chức này lợi dụng quảng bá hình ảnh, lôi kéo người dân tham gia.

Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng nghi vấn; tiếp nhận và giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tập trung điều tra, khám phá các vụ án có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn phối họp với lực lượng công an xác minh thông tin dòng tiền; quản lý chặt chẽ việc phát hành thẻ, hoạt động thanh toán điện tử, kịp thời phát hiện việc cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng để nhận, chuyển tiền từ hoạt động đầu tư tiền ảo, ngoại hối trái phép; chủ động rà soát, phát hiện các giao dịch “bất thường” để xác minh, xử lý.

Công an Hà Tĩnh chỉ cách nhận diện thủ đoạn lừa đảo, khuyến cáo người dân tránh “bẫy”

Đơn tố cáo hoạt động của Lion Group được người dân Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) gửi đến cơ quan chức năng.

Sở TT&TT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, internet, phòng ngừa việc quảng cáo các sàn giao dịch ngoại hối trái phép trên các website, trang thông tin điện tử.

Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, internet không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo, quản lý chặt chẽ thuê bao di động, loại bỏ “sim rác”. Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn đầu tư trái phép, quảng cáo mua bán hàng hóa... phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo chính quyền các cấp yêu cầu các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn không cho thuê, mượn địa diêm làm nơi tổ chức hội nghị, hội thảo đào tạo bán hàng đa cấp, giới thiệu sản phẩm khi chưa được cấp phép; tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu, lôi kéo tham gia các sàn tiền ảo, ngoại hối trái phép. Tuyệt đối không để sử dụng hội trường các cơ quan Nhà nước, nhà văn hóa cộng đồng làm nơi tổ chức các hoạt động này khi chưa được cấp phép.

Các thành viên BCĐ 138 cấp tỉnh, BCĐ 138 cấp huyện được phân công phụ trách các địa bàn trên cơ sở trực tiếp tham gia các đoàn công tác của tỉnh, huyện khi xuống làm việc, chỉ đạo tại cơ sở, thường xuyên lồng ghép quán triệt, chỉ đạo các mặt công tác đảm bảo ANTT nói chung, công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng để cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở biết, tập trung triển khai thực hiện với phương châm “phòng ngừa là chính”, không để các hoạt động lừa đảo diễn ra trên địa bàn, tạo hệ lụy xấu trong xã hội.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.