Hướng đến mục tiêu tạo sân chơi bổ ích, an toàn cho thanh thiếu nhi tại các khu dân cư trên địa bàn, Huyện đoàn Thạch Hà đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Bộ đồ chơi dân gian” với các trò chơi như: cà kheo, ô ăn quan, dép đôi, đánh thẻ, cờ gánh, nhảy lò cò, nhảy dây… tại các nhà văn hóa thôn. Mô hình là công trình ý nghĩa nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh.
Mô hình “Bộ đồ chơi dân gian” với các trò chơi như: cà kheo, ô ăn quan, dép đôi, đánh thẻ, cờ gánh, nhảy lò cò, nhảy dây… được xây dựng tại các nhà văn hóa thôn.
Bước đầu mô hình được triển khai thí điểm tại 6 nhà văn hóa thôn gồm: Hà Thanh, Phú Sơn, Bắc Bình, Sâm Lộc (xã Tượng Sơn); Hồng Dinh (xã Thạch Trị); Trung Lạc (xã Thạch Lạc). Nguồn kinh phí thực hiện được xã hội hóa và do các ĐVTN tận dụng các vật liệu tái chế từ lốp ôtô, đồ tre, gỗ, vỏ sò… lắp ghép và vẽ sơn trang trí phù hợp.
Dù mới triển khai từ đầu tháng 7/2021 và ra mắt trong 2 ngày cuối tuần (10 - 11/7) nhưng các mô hình “Bộ đồ chơi dân gian” do các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Thạch Hà thực hiện đã và đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân địa phương, các em thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Các nguyên vật liệu để xây dựng mô hình đều dễ tìm kiếm và tái chế.
Ngay trong buổi đầu ra mắt, mô hình “Bộ đồ chơi dân gian” tại nhà văn hóa thôn Hồng Dinh (Thạch Trị) đã thu hút các nhiều em nhỏ khám phá.
Em Trần Thị Khánh Huyền ở thôn Bắc Dinh (Thạch Trị) cho biết: “Khi biết ở nhà văn hóa thôn Hồng Dinh ra mắt “Bộ đồ chơi dân gian” chúng em đã đến xem, chơi. Chúng em rất thích thú khi được chơi những trò chơi dân gian này và mong rằng ở thôn em cũng sớm xây dựng bộ trò chơi như ở thôn Hồng Dinh”.
Các ĐVTN trong thôn trang trí, sơn màu bắt mắt để hoàn thiện từng bộ đồ chơi.
Chứng kiến các mô hình “Bộ đồ chơi dân gian” được triển khai trên địa bàn, ông Hoàng Thanh Tam - người dân thôn Hà Thanh (Tượng Sơn) chia sẻ: “Đây không chỉ là công trình lý thú, bổ ích tạo sân chơi an toàn, lành mạnh cho các em nhỏ mà còn tạo môi trường thư giãn cho người dân ở mọi lứa tuổi sau thời gian lao động mệt nhọc.
Đặc biệt, mô hình này cũng giáo dục thanh thiếu nhi về việc bảo tồn, phát huy, gìn giữ nét bản sắc văn hóa dân gian đáng quý của ông cha đi trước, lưu giữ những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ và hướng các em đến môi trường sống vui tươi, an lành, tránh xa các tệ nạn xã hội, hạn chế sử dụng điện thoại, trò chơi điện tử…”
Các trò chơi dân gian góp phần giáo dục thanh thiếu nhi về việc bảo tồn, phát huy, gìn giữ nét bản sắc văn hóa dân gian đáng quý của ông cha, lưu giữ những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ.
Trước đó, để thực hiện mô hình, mỗi đoàn xã, chi đoàn thôn đều xây dựng kế hoạch, xin ý kiến cấp ủy thống nhất thực hiện; đồng thời khảo sát hiện trạng không gian tại các hội quán thôn để xây dựng các bộ trò chơi phù hợp diện tích hội quán và lứa tuổi thanh thiếu nhi trong vùng.
Anh Hồ Văn Việt - Bí thư Đoàn xã Thạch Trị cho biết: “Mô hình được triển khai khá dễ dàng, các nguyên liệu chủ yếu được lấy từ tự nhiên, rất gần gũi với thôn quê như tre, trúc, gỗ, vỏ sò... sau đó được các ĐVTN lắp gép, sơn màu phù hợp. Mỗi mô hình với 7 - 8 trò chơi chỉ tốn kinh phí khoảng 500.000 đồng.
Dù mới chỉ triển khai ở thôn đầu tiên nhưng mô hình đang được các em thiếu nhi hào hứng tham gia, phụ huynh rất ủng hộ. Bởi vậy, sau thí điểm và rút kinh nghiệm tại thôn Hồng Dinh, đoàn xã sẽ tiếp tục huy động đoàn viên 6 thôn còn lại triển khai nội dung này”.
Mô hình “Bộ đồ chơi dân gian” là công trình ý nghĩa Huyện đoàn Thạch Hà sáng tạo, thực hiện nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh.
Với thành công ở các mô hình thí điểm, Huyện đoàn Thạch Hà phấn đấu từ nay đến hết tháng 7/2021 sẽ xây dựng 190 bộ đồ chơi dân gian ở 190 nhà văn hóa, thôn tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện. Thạch Hà cũng là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện công trình này.
Đây là công trình ý nghĩa Huyện đoàn Thạch Hà sáng tạo, thực hiện nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành 190 mô hình trong tháng 7, Huyện đoàn tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, huy động ĐVTN tiếp tục xây dựng các trò chơi dân gian tại 50 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố còn lại.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu