Bỏ giáng chức và hạ bậc lương với công chức

Trong nghị định mới, Chính phủ bỏ hai hình thức kỷ luật giáng chức với công chức lãnh đạo và hạ bậc lương với công chức không giữ chức vụ.

Nghị định 172/2025 được Chính phủ ban hành ngày 30/6 quy định bốn hình thức kỷ luật với công chức gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức (áp dụng với công chức lãnh đạo, quản lý) và buộc thôi việc, không còn hai hình thức giáng chức và hạ bậc lương.

Theo quy định từ năm 2023, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể bị kỷ luật theo bốn hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và buộc thôi việc. Với công chức lãnh đạo, quản lý, ngoài các hình thức trên còn có thêm giáng chức và cách chức. Người bị giáng chức sẽ không được quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, nâng ngạch trong 24 tháng; người bị hạ bậc lương cũng bị hạn chế tương tự trong thời gian 12 tháng.

Công chức phường Hải Châu, trung tâm TP Đà Nẵng làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công, tháng 6/2025. Ảnh: Nguyễn Đông
Công chức phường Hải Châu, trung tâm TP Đà Nẵng làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công, tháng 6/2025. Ảnh: Nguyễn Đông

Nghị định cũng phân loại mức độ vi phạm làm căn cứ xử lý kỷ luật. Vi phạm bị coi là gây hậu quả ít nghiêm trọng nếu mức độ tác hại không lớn, chỉ tác động trong phạm vi nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan. Vi phạm nghiêm trọng là khi hành vi gây tác hại lớn, lan rộng ra bên ngoài đơn vị, làm dấy lên dư luận xấu, giảm uy tín tổ chức. Trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là khi tính chất và mức độ đặc biệt nghiêm trọng, tác động đến toàn xã hội, gây bức xúc trong cán bộ, công chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức.

Căn cứ vào tính chất và mức độ, công chức có thể bị xử lý theo bốn mức. Hình thức khiển trách áp dụng với vi phạm lần đầu, hậu quả ít nghiêm trọng. Nếu đã bị khiển trách mà tiếp tục vi phạm, hoặc lần đầu nhưng hành vi nghiêm trọng, công chức sẽ bị cảnh cáo. Với công chức lãnh đạo, trường hợp để đơn vị xảy ra sai phạm nghiêm trọng mà không có biện pháp ngăn chặn cũng bị cảnh cáo, dù chính bản thân họ chỉ vi phạm mức độ nhẹ.

Trường hợp đã bị cảnh cáo mà tái phạm, hoặc vi phạm lần đầu nhưng hậu quả rất nghiêm trọng song có thái độ cầu thị, chủ động khắc phục hậu quả, sẽ bị cách chức. Hình thức buộc thôi việc áp dụng nếu người vi phạm không sửa chữa, tiếp tục tái phạm sau khi đã bị cách chức hoặc cảnh cáo; hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng và không có thái độ tiếp thu, khắc phục.

Ngoài ra, công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng; người nghiện ma túy... cũng thuộc diện bị buộc thôi việc theo quy định tại nghị định này.

Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2025.

vnexpress.net

Đọc thêm

Muốn “trẻ lại” thì phải... sinh thêm?

Muốn “trẻ lại” thì phải... sinh thêm?

Lứa 9X đời đầu như chúng tôi từng học “nằm lòng” thông tin trong sách Địa lý rằng: “Việt Nam là nước có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào…”.
Hạ tầng cho người yếu thế vẫn còn hạn chế

Hạ tầng cho người yếu thế vẫn còn hạn chế

Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và thân thiện với mọi đối tượng trong xã hội là mục tiêu mà Hà Tĩnh hướng tới. Thế nhưng, với người khuyết tật thì con đường tiếp cận các không gian công cộng, giao thông hay dịch vụ thiết yếu vẫn còn hạn chế.
Chăm lo chính sách, gieo dựng niềm tin

Chăm lo chính sách, gieo dựng niềm tin

Chính sách BHYT ngày càng khẳng định vai trò là trụ cột an sinh, giúp nhiều người bệnh ở Hà Tĩnh tiếp cận kỹ thuật hiện đại, giảm gánh nặng chi phí điều trị.
[Motion Graphics] 14 điểm mới của Luật BHXH 2024

[Motion Graphics] 14 điểm mới của Luật BHXH 2024

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đồng thời thu hút thêm người tham gia BHXH.