Bộ trưởng Công thương: “Nói thiếu xăng dầu là vô lý”

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết nguồn cung thế giới và trong nước đều không thiếu nên thông tin thị trường khan hiếm xăng dầu là vô lý.

Để dẫn chứng cho khẳng định này, tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu, ngày 26/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết, với khả năng cung ứng nguồn cung ứng từ hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn (3,3 triệu m3 xăng dầu trong quý III và 4,4 triệu m3 vào quý IV), cộng thêm nguồn nhập khẩu, từ nay tới cuối năm không thiếu nguồn cung.

“Thế giới đang cần bán, bán với giá rẻ, Việt Nam thì giảm thuế nên giá cũng rẻ. Như vậy, nguồn cung của thế giới lẫn trong nước lúc này không thiếu. Nếu thiếu, rõ ràng đó là những hiện tượng không bình thường và cần phải xử lý”, Bộ trưởng Công Thương nhận xét.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phản ánh vài ngày qua nhập hàng khó khăn và lỗ nặng vì bị cắt chiết khấu.

Tuy nhiên, phản ánh thực tế từ địa phương, đại diện một số Sở Công Thương như TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng... cho biết, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân trên địa bàn vẫn đảm bảo nguồn hàng; không có hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa, dừng hoạt động vì sự khan hiếm.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cũng thông tin rà soát thực tế cho thấy không ghi nhận việc đứt gãy về nguồn.

Còn theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường, tại khu vực phía Nam, tới 25/8, có 4 cửa hàng đóng cửa do hết xăng dầu. So với số lượng hành chục nghìn cửa hàng trên toàn quốc, đây là số lượng ít, không phản ánh hết thực tế thị trường.

Bộ trưởng Công thương: “Nói thiếu xăng dầu là vô lý”

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng bán lẻ trên đường Lý Chí Thắng (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Quỳnh Trần

Hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu phản ánh lỗ nặng , theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, chủ yếu là quan hệ giữa đầu mối, thương nhân phân phối và cửa hàng liên quan tới vấn đề chiết khấu.

Đại diện Sở Công Thương Kiên Giang đề cập hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ phản ánh chiết khấu hoa hồng giảm về 0, dẫn tới hệ thống khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình việc cần xem xét lại toàn diện về mức chiết khấu, hoa hồng trong hệ thống, vì nếu không đảm bảo, các đại lý bán lẻ khó duy trì hoạt động. Song, ông đề nghị các Sở Công Thương địa phương làm rõ, rà soát lại.

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm xử lý nghiêm những đơn vị kinh doanh vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, quá trình thanh tra vừa qua Bộ này đã xử lý vi phạm hành chính, tước giấy phép nhập khẩu xăng dầu 1- 2 tháng của 7 doanh nghiệp do vi phạm quy định trong xuất nhập khẩu xăng dầu. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng phủ nhận chuyện tạm đình chỉ hoạt động nhập khẩu của 7 doanh nghiệp vi phạm trên ảnh hưởng tới nguồn cung.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã qua 22 kỳ điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng, 8 lần giảm và 1 lần giữ nguyên giá bán. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm hơn 6.200 đồng.

Giá xăng hiện đã trở lại ngưỡng ngang bằng cuối năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay, tức trước thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Nhưng với diễn biến giá thành phẩm thế giới tuần qua đi lên, vượt 110 USD một thùng và dự báo tới đây neo ở ngưỡng cao, nhiều khả năng kỳ điều hành giá tiếp theo, giá nhiên liệu trong nước khó giữ ổn định như hiện nay.

Với tính chất liên thông với thị trường nhiên liệu quốc tế, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, năm nay là một năm tương đối dị biệt của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi thị trường, giá cả diễn biến quá phức tạp khiến họ lúc lỗ, lúc lãi. Giá thế giới sau thời kỳ giảm, hiện đã tăng vọt trở lại, chủ yếu ở mặt hàng dầu diesel trước xu hướng dịch chuyển sử dụng khí thay thế cho dầu tại các nước châu Âu.

Mặt khác, kỳ điều hành giá tới đây do trùng dịp nghỉ lễ 2/9, nên có thể kéo dài tới ngày 5/9 mới điều chỉnh, tức thời gian giữa 2 kỳ điều hành là 15 ngày. Giá thế giới đi lên, chu kỳ điều chỉnh giá dài, nếu không có giải pháp kịp thời, doanh nghiệp xăng dầu sẽ thêm lỗ, khó khăn trong kinh doanh.

Ông đề nghị Bộ Công Thương, Tài chính sớm xem xét, phản ánh chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế. Việc này giúp doanh nghiệp có thêm phần điều chỉnh chiết khấu, đủ bù đắp chi phí kinh doanh.

Ở khía cạnh này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, cơ quan này sẽ đề nghị Bộ Tài chính sớm xem xét.

Bên cạnh đó, tín dụng với doanh nghiệp xăng dầu hiện chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, trong khi nhập khẩu tăng, cần nguồn ngoại tệ tăng tương ứng. Bộ Công Thương cho biết, sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại tháo gỡ vướng mắc về tín dụng, theo hướng nới hạn mức.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường, cơ quan này đã yêu cầu những doanh nghiệp hết thời hạn bị tạm tước giấy phép nhập khẩu, nhanh chóng nối lại hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp đầu mối khác được đề nghị tăng nguồn nhập khẩu để đảm bảo tổng nguồn không thiếu. Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối chia sẻ lợi nhuận hài hoà, để mức chiết khấu đủ lớn giúp đại lý bán lẻ đủ chi phí kinh doanh.

Theo Anh Minh/VNE

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.