U22 Việt Nam bại trận: Sau thế hệ Quang Hải là khoảng trống?

Chính những Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Linh cũng từng thảm bại 0-6 trước Thái Lan ở chung kết U19 Đông Nam Á năm 2015 trước khi tỏa sáng rực rỡ như hiện nay.

“Các cậu có biết hồi HLV Park Hang-seo sang Việt Nam, đội U23 Việt Nam triệu tập lên khoảng 10 cầu thủ U20 Việt Nam. Tất nhiên lúc đấy ông Park chẳng thể biết 10 gương mặt đó là ai, đá như thế nào. Nhưng hãy nhìn xem sau 1 năm, 7-8 cầu thủ trong số ấy trở thành chìa khoá của đội tuyển quốc gia”.

Đó là những lời của GĐKT Juergen Gede dành cho U22 Việt Nam trước thềm trận cầu quyết định với người Indonesia.

Những lời ấy phản ánh một sự thật: với bóng đá Việt Nam, U22 Đông Nam Á chỉ là một giải đấu chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2020 và SEA Games 2019.

U22 Việt Nam bại trận: Sau thế hệ Quang Hải là khoảng trống?

Trước khi thành danh, lứa Quang Hải cũng từng phải trải qua tình trạng giống như U22 Việt Nam.

U22 Việt Nam chưa từng có lực lượng mạnh nhất

Những gì U22 Việt Nam đang trải qua tại Giải Đông Nam Á 2019 thật giống với tình cảnh của U19 Việt Nam tại Giải U19 Đông Nam Á 2016. Được chơi ở sân nhà Hàng Đẫy, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn thảm bại 2-5 trước Australia tại bán kết. Để rồi chỉ đúng 1 tháng sau, khi không được ai đặt niềm tin, thế hệ ấy lại làm nên kỳ tích, vào tới bán kết U19 châu Á và giành tấm vé dự World Cup trẻ đầu tiên trong lịch sử.

Những cái tên của thế hệ ấy ngày nay đã trở thành biểu tượng. Họ là Nguyễn Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu...

Nếu ngày ấy, Quang Hải, Tiến Dũng gục ngã, suy sụp trước thất bại, liệu họ có được ngày hôm nay? Ai có thể mãi mãi chiến thắng? Ai dám nói không bao giờ bại trận? Người chiến thắng hôm nay cũng có thể là kẻ thua cuộc ngày mai chứ?

Với U22 Việt Nam, thất bại hôm nay thậm chí là một kết quả được báo trước.

Bởi đó vốn là đoàn quân “hạng hai” của lứa 1997, được dẫn dắt bởi một HLV “hạng hai” Nguyễn Quốc Tuấn - người có chuyên môn chính là huấn luyện thủ môn.

U22 Việt Nam bại trận: Sau thế hệ Quang Hải là khoảng trống?

Vốn chỉ là đội hình hai của U22 Việt Nam (áo đỏ), các học trò của HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã chơi không tệ khi đứng nhất trong một bảng đấu có Thái Lan, dừng bước ở bán kết bởi một quả phạt đền. Ảnh: Ngọc Anh.

Có hai điểm cần lưu ý khi nói về U22 Việt Nam. Thứ nhất, đội bóng ấy không có HLV trưởng Park Hang-seo, không có Quang Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu... vì được giảm tải sau Asian Cup. Thứ hai, đội bóng ấy được lập ra không chỉ để chuẩn bị cho U23 châu Á hay SEA Games 2019. Xa hơn nữa, SEA Games 2021 tổ chức tại Việt Nam mới là đích ngắm của thế hệ này.

Mục tiêu khác nhau nên nhân sự của U22 Việt Nam cũng trẻ hơn hẳn các đối thủ.

Lấy U22 Thái Lan làm ví dụ. Đội bóng tới từ quốc gia đào tạo trẻ tốt nhất Đông Nam Á chỉ có 3 cầu thủ sinh sau 2000, sở hữu 7 cái tên đang chơi ở đội một Muangthong. Chiều ngược lại, Việt Nam có tới 5 cầu thủ sinh sau 2000, 7 cầu thủ sinh năm 1999, không có bất kỳ cái tên nào đang chơi ở đội một của CLB Hà Nội - đội mạnh nhất V.League hiện tại.

Đem đội hình hai đấu với đội một của các đối thủ, vẫn vào tới bán kết dù lối chơi chưa thực sự ấn tượng, U22 Việt Nam thực ra đã hoàn thành nhiệm vụ mà bóng đá Việt Nam dành cho họ.

U22 Việt Nam bại trận: Sau thế hệ Quang Hải là khoảng trống?

Những người như Trần Đình Trọng (1997, trái) vốn là thành viên của lứa U22 nhưng không có mặt ở Giải U22 Đông Nam Á 2019

Bóng đá Việt Nam chỉ có lứa Quang Hải?

Thất bại của U22 Việt Nam nghĩa là bóng đá Việt Nam hiện chỉ có lứa Quang Hải? Đó là luồng suy nghĩ đã xuất hiện sau trận thua của Lương Hoàng Nam và đồng đội tối qua.

4 năm trước, khi thay thế lứa Công Phượng, Xuân Trường gia nhập đội hình U19 Việt Nam, chính Quang Hải, Tiến Dũng, Hà Đức Chinh từng đứng trước câu hỏi tương tự. Đến mức HLV Hoàng Anh Tuấn phải nhiều lần phát cáu: “Đừng so sánh các em với lứa Công Phượng nữa”. Để rồi sau đó, chính họ đã vượt qua cái bóng của lớp đàn anh.

Xa hơn nữa, chỉ hai năm sau thảm bại Bacolod, hai năm sau khi không còn bước chân thần đồng của Văn Quyến, Quốc Vượng, bóng đá Việt Nam đã vào tới tứ kết Asian Cup trước khi đăng quang ở AFF 2008.

Hai ví dụ ấy để thấy, bóng đá Việt Nam chưa từng thiếu tài năng.

U22 Việt Nam bại trận: Sau thế hệ Quang Hải là khoảng trống?

Văn Quyến (giữa) xuất chúng nhưng để nền bóng đá tiến lên, chúng ta cần cả một thế hệ xuất sắc.

Hệ thống bóng đá Việt Nam cũng đang vận hành khá tốt để ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt ấy. Từ năm 2007 tới nay, ít nhất 5 trung tâm đào tạo bóng đá hiện đại đã được xây dựng. Năm ngoái, PVF khánh thành Học viện hiện đại nhất Đông Nam Á ở Hưng Yên.

Cần có may mắn để xuất hiện những thần đồng như Văn Quyến hay Quang Hải. Nhưng may mắn không bao giờ là động lực cho sự tiến bộ của một nền bóng đá. Những siêu sao muốn tỏa sáng vẫn cần sự hỗ trợ từ phía sau. Sự hỗ trợ ấy là các đồng đội từ cùng một hệ thống đào tạo, là giải vô địch quốc gia đang tiến bộ, là các đội tuyển đang tìm được hướng đi. Những điều ấy, bóng đá Việt Nam đều có cả.

Quang Hải hiện là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng sẽ thật tự ti nếu cho rằng, bóng đá Việt Nam không thể có thêm những Quang Hải trong một tương lai có thể rất gần.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast