Ngày 10/7, Thủ tướng Anh Theresa May nhận được sự ủng hộ quan trọng từ các Bộ trưởng trong nội các đối với đề xuất mới liên quan đến mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit. Đây được xem là minh chứng rõ ràng nhất, tái khẳng định uy tín chính trị của vị nữ lãnh đạo trong bối cảnh bà đang phải đứng trước những sức ép vô cùng lớn sau khi các nhân vật chủ chốt trong chính phủ lần lượt đệ đơn xin từ chức.
Bức ảnh cuộc họp về đề xuất Brexit trên Twitter của Thủ tướng Anh Theresa May. |
Đề xuất mới được công bố tại cuộc họp nội các hồi cuối tuần trước, trong đó nhấn mạnh Anh sẽ duy trì các mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Liên minh châu Âu đã dẫn tới quyết định từ chức của Bộ trưởng Brexit David Davis và Ngoại trưởng Boris Johnson, đồng thời khiến những người ủng hộ một tiến trình “Brexit cứng” phải “nóng mặt”.
Tuy nhiên, tại cuộc thảo luận ngày 10/7 về đề xuất này, bà May đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, một nhân vật gần gũi với ông Boris Johnson. Có thể thấy, sau tất cả, Thủ tướng May dường như đã quyết định đối mặt với những lập trường cứng rắn nhất kêu gọi một sự cắt đứt hoàn toàn với Liên minh châu Âu.
Trong dòng trạng thái đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter, bà May viết: “Một cuộc họp hữu ích của nội các trước một tuần bận rộn”. Đặc biệt, dòng trạng thái được đăng kèm bức hình của chính phủ, trong đó có thể dễ dàng nhìn thấy sự có mặt của cả tân Ngoại trưởng Jerremy Hunt và tân Bộ trưởng Brexit Dominnic Raab.
Giai đoạn phía trước đối với vị nữ Thủ tướng vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Gần như đồng thời với tuyên bố của bà Theresa May về các cuộc thảo luận hữu ích ngày 10/7, hãng tin BBC dẫn một số nguồn tin khẳng định, hai phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đã xin từ chức để phản đối kế hoạch của bà May, cũng như nhằm gây sức ép buộc người đứng đầu chỉnh phủ phải đổi hướng đàm phán Brexit.
Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ khác cùng ngày tuyên bố sẽ nộp đơn kiến nghị lên Chủ tịch Ủy ban 1922 của các nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện để bày tỏ bất tín nhiệm Thủ tướng.
Hiện Văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định bà May sẽ không từ chức và sẵn sàng đương đầu với bất kỳ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào. Song, dù có giữ được cương vị Thủ tướng thì triển vọng thuyết phục được Hạ viện thông qua kế hoạch Brexit của bà May cũng ngày càng trở nên khó khăn khi Công đảng đối lập cũng tuyên bố phản đối kế hoạch này.
Có thể thấy, Thủ tướng Theresa May đang phải đối mặt với thách thức từ nhiều phía. Đó là không chỉ làm thế nào để chấm dứt tình trạng chia rẽ hiện nay trong nội bộ chính phủ và đảng cầm quyền, mà còn phải làm thế nào để thuyết phục Ủy ban châu Âu và 27 nước thành viên còn lại khơi thông bế tắc của những cuộc đàm phán hiện nay do sự hoài nghi về ý định thực sự của nước Anh đối với tiến trình Brexit.
Có mặt tại thủ đô London để tham dự một cuộc họp về Tây Balkan, Thủ tướng Đức Angela Merkel, một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng đối với tiến trình Brexit đã hoan nghênh kế hoạch mới của nước Anh, đồng thời khẳng định 27 nước thành viên còn lại đã có câu trả lời chung cho chiến lược của bà May.
“Dù Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, song chúng tôi vẫn muốn duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với nước Anh và tôi cho rằng, đây cũng là lập trường chung của tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu. Chúng ta vẫn là những người châu Âu, dù không còn chung một liên minh. Với việc Anh thúc đẩy Sách trắng, chúng ta sẽ có một bước tiến lớn”, Thủ tướng Đức nói.
Về phần mình, bà May đã cam kết biến Brexit thành một tiến trình “trơn tru và có trật tự”, song bác bỏ ý kiến cho rằng những kế hoạch xây dựng quan hệ kinh tế gần gũi nhất có thể với Liên minh châu Âu thời hậu Brexit không phải là bước đi nhượng bộ mà đây là cách tốt nhất để thực hiện ý nguyện của đa số người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit hồi năm 2016.