Thực hiện việc cải cách hành chính, tinh giản cán bộ không chuyên trách, huyện Can Lộc đã xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, BQL dự án và các tổ chức hội. Đề án đã được HĐND tỉnh phê duyệt. Từ sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Can Lộc bắt đầu triển khai thực hiện đề án, đến cuối tháng 3/2016, việc sáp nhập đã hoàn thành tại 23/23 xã, thị trấn và cấp huyện.
Những bước chuyển trong cải cách hành chính ở Can Lộc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.
Bước đầu triển khai thực hiện đề án này, còn có nhiều ý kiến lo ngại việc sáp nhập sẽ không đảm bảo chức năng của các hội tại cơ sở. Tuy nhiên, qua quá trình tuyên truyền, vận động, cùng với tổ chức các cuộc tự thảo luận, bàn bạc, cuối cùng, các tổ chức hội đã thống nhất việc sáp nhập và bầu ra cán bộ hội, một số cán bộ các hội cũ sau sáp nhập cũng tự nguyện thôi giữ các chức vụ.
Ông Võ Hồng Hải - Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: “Từ thực tế hoạt động kém hiệu quả, chồng chéo, thậm chí “hữu danh vô thực” của các tổ chức hội tại cơ sở, Can Lộc đã mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện đề án sáp nhập các tổ chức hội. Thông qua việc sáp nhập đã giảm 50% cán bộ trong bộ máy cán bộ cấp xã, qua đó, giảm đóng góp của nhân dân để nuôi bộ máy này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành sáp nhập một số tổ chức hội ở cấp huyện. Đây là một trong những hiệu quả bước đầu của việc cụ thể hóa các chủ trương, đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đi vào cuộc sống”.
Hiện nay, ở cấp xã, trừ 5 hội đoàn thể chính trị không thực hiện sáp nhập, còn lại 16 hội xã hội sau khi thực hiện đề án còn 5 hội. Trong đó, đã có một số hội tự giải thể như hội sinh vật cảnh, hội làm vườn; một số hội chức năng tương đồng nhau thì nhập lại còn 5 hội là hội chữ thập đỏ, hội bảo trợ xã hội và người khuyết tật; hội phật giáo, hội người cao tuổi, hội cựu TNXP, hội khuyến học, giáo chức.
Ông Mai Khắc Tám - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi huyện thực hiện đề án này bởi trước đây, có quá nhiều hội xã hội trong bộ máy cán bộ xã dẫn đến hoạt động không hiệu quả, rõ ràng. Một số hội lập ra nhưng chỉ hoạt động được một đôi lần; cán bộ một số hội tuổi quá cao nên hoạt động thiếu tính sáng tạo. Sau sáp nhập, phụ cấp chức vụ cho cán bộ một số hội được nâng lên, tạo động lực để họ có thể hoạt động năng nổ, sáng tạo và hiệu quả hơn, phát huy chức năng, nhiệm vụ của từng hội trong xây dựng quê hương”.
Can Lộc là địa phương đầu tiên trong tỉnh mạnh dạn thực hiện việc này và hiện nay hiệu quả đang lan tỏa tới các địa phương khác. Tin rằng, khi mô hình này được nhân rộng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của tỉnh.