Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên thuộc chủng có nguồn gốc từ Tây Phi

Theo Bộ Y tế, kết quả giải trình tự gene virus khẳng định người phụ nữ 35 tuổi mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc biến thể Clade IIb có nguồn gốc từ Tây Phi.

Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên thuộc chủng có nguồn gốc từ Tây Phi

Một phần tế bào da của một con khỉ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: REUTER/TTXVN)

Ngày 3/10, Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết những người tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ đến nay hơn 10 ngày chưa có biểu hiện bệnh.

Về nguồn lây, đây là trường hợp đã ở nước ngoài hơn 60 ngày, có triệu chứng ở nước ngoài, khi về Việt Nam đã mắc bệnh trước đó.

Ca bệnh đầu tiên thuộc chủng có nguồn gốc từ đâu?

Bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam là bệnh nhân nữ, 35 tuổi, thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Theo Bộ Y tế, kết quả giải trình tự gene virus khẳng định người phụ nữ 35 tuổi mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc biến thể Clade IIb. Đây là biến thể đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ Tây Phi và được cho là đang gây ra làn sóng bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.

Theo giáo sư Lân, ca bệnh này được phát hiện sớm, chủ động trong cách ly. Người thân và cán bộ y tế tiếp xúc bệnh nhân đều đã được giám sát, hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm. Bộ Y tế trước đó cũng đánh giá nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu khi bệnh đã lưu hành tại 106 quốc gia, trong đó có một số nước gần với Việt Nam.

Theo ông Lân, điều quan trọng nhất là phát hiện ca bệnh, khoanh vùng xử lý không để lây lan. Vì vậy, các địa phương được khuyến cáo giám sát bệnh tại cửa khẩu, cơ sở y tế và sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Hiện Việt Nam xét nghiệm đậu mùa khỉ bằng phương pháp PCR và giải trình tự gene virus. Tuy nhiên, dù bệnh có xâm nhập hay không thì Việt Nam đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ rất sớm.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị; hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh.

Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên thuộc chủng có nguồn gốc từ Tây Phi

Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, hiện nay có 2 chủng đậu mùa khỉ lưu hành, ở Trung Phi và Tây Phi. Trong đó chủng ở Tây Phi nhẹ hơn, tỷ lệ tử vong thấp hơn. Tuy nhiên cần các đánh giá dịch tễ sâu hơn nữa nhất là đối với những trường hợp hiện nay hoặc trên các đối tượng không phải nguy cơ cao. Với chủng ở Tây Phi tỷ lệ chết/mắc ít hơn so với chủng ở Trung Phi.

6 khuyến cáo phòng bệnh

Đến ngày 3/10/2022, thế giới ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 nước trên thế giới, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đưa ra 6 khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ , tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe./.

Theo T.G (Vietnam+)

Đọc thêm

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, từ ngày mai (17/11), Hà Tĩnh khả năng có gió Đông Bắc mạnh cấp 3, cấp 4; nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15
Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Thông thường các bệnh về tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt về cấu tạo và chức năng sinh lý khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Vậy, ở nam giới thường mắc các bệnh tuyến giáp như nào?
Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.