Ca trù là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa đậm tính dân gian lại vừa uyên bác cả trong âm nhạc lẫn lời ca. Trong bối cảnh hiện đại, ca trù rất kén người nghe và khá khó khăn khi hòa nhập với đời sống đương đại. Tuy nhiên, với những ai đã hiểu, đã yêu ca trù thì cũng say mê không kém người xưa. Đó chính là lối ngõ để ca trù có thể từ từ xuất hiện trở lại trong đời sống của nhân dân.
Tiết mục "Tỳ bà hành" do ca nương Nguyễn Thị Thu Hà (Hà Tĩnh) biểu diễn
Tại liên hoan, các ca nương, kép đàn và quan viên, diễn viên đã cùng nhau phục dựng lại không gian sinh hoạt của người xưa. Trong những phút đắm mình trong các tuyệt kỹ ca trù, khán giả cũng như được đẩy trôi về những đêm ả đào xa vắng. Có những lúc tưởng như mình là quan viên, vừa kiên định vừa bị dẫn dụ bởi khoảnh khắc ém hơi, nhả chữ hay cao thấp tay phách của đào nương. Lại có những lúc ngỡ mình như dây đàn, cứ ngân lên những khúc cầm phổ lả lơi, đầm ấm trong phút phiêu diêu của kép đàn…
Mặc dù diễn ra trong khoảng thời gian khá dài nhưng Liên hoan Ca trù năm 2018 vẫn không gây nhàm chán. Ngược lại, liên hoan mang đến những cảm xúc hân hoan, háo hức chờ đợi cho cả ban tổ chức lẫn khán giả, dù rằng số lượng khán giả đến thưởng thức không nhiều. Ca nương Đặng Thị Vân - Chủ nhiệm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi là một thí sinh đồng thời cũng là một khán giả tại liên hoan. Mặc dù hoàn thành phần thi của đoàn ngay trong đêm khai mạc nhưng tôi và các thành viên trong đoàn vẫn ở lại thưởng thức các tiết mục của các địa phương khác, nhằm khám phá và học hỏi những cái hay, cái độc đáo của ca trù các vùng miền”.
Nhiều người vẫn chưa quên, Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Tĩnh (năm 2005), chỉ có 20 nghệ nhân cao tuổi (sinh hoạt ca trù từ năm 1945 trở về trước) tham gia với số lượng thể cách, hình thức diễn xướng khiêm tốn. Tại liên hoan này, chất lượng và số lượng ca nương, kép đàn, trống chầu đã tăng lên rất nhiều với gần 300 người.
Một tiết mục cho thấy sự kế tục thế hệ ca nương của đoàn Hà Tĩnh
Bên cạnh những ca nương nhiều kinh nghiệm như Trần Thị Kim Tuyến - đoàn Bắc Ninh (bên trái) và Trần Thị Dua - đoàn Hưng Yên...
... là sự xuất hiện của những ca nương trẻ đầy triển vọng như Nguyễn Thị Thu Hà - đoàn Hà Tĩnh (bên trái) và Lê Thị Minh - đoàn Hải Dương.
Nghệ nhân Ngọc Cuông (đoàn Hải Dương) là một trong những kép đàn kỳ cựu nhất tại liên hoan
Tiếng đàn của nghệ nhân Tô Tuyên (đoàn Hải Phòng) đã để lại ấn tượng sâu sắc trên sân khấu Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018
15 đơn vị của 13 tỉnh, thành tham gia liên hoan đã xây dựng 15 chương trình nghệ thuật mà ở đó người ta thấy được rất rõ sự xuất hiện của ánh sáng mới trong tương lai của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhiều đơn vị đã đầu tư công phu để khôi phục những thể cách, không gian diễn xướng đã mai một của ca trù như: Giáo hương, giáo trống, hát thơ, múa bỏ bộ, múa bài bông… Ngoài ra, nhiều đơn vị như Hà Tĩnh, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh... còn đầu tư sáng tác lời mới cho các thể cách ca trù nhằm ca ngợi tiền nhân, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Điều đó cho thấy tín hiệu đầy hy vọng về mức độ phổ biến của ca trù trong đời sống hiện đại.
Màn múa "Thời hồ" trích đoạn "Múa bài bông" độc đáo của Đoàn nghệ thuật ca trù TP Hà Nội để lại dấu ấn sâu sắc cho khán giả
Sự xuất hiện của đội ngũ nghệ nhân trẻ tuổi với vốn hiểu biết sâu rộng về ca trù, sự tái hiện nhiều không gian, hình thức diễn xướng của ca trù trên sân khấu liên hoan đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả hy vọng về một sự tồn tại bền vững của ca trù. Trong 5 ngày diễn ra liên hoan, tình trạng trùng lặp thể cách khá ít. Một số tiết mục trùng lặp thể cách nhưng không gây nhàm chán bởi sự đa dạng trong kỹ thuật ngân rung, đổ hột của ca nương, những tiếng lia, tiếng vẫy, tiếng mượn của kép đàn. Họ, thậm chí còn biết cách làm sáng hơn, quyến rũ hơn tiết mục của mình bằng những khoảnh khắc “phiêu” trong những lần buông lơi, đổ hột, gõ phách hay khép đóng một khúc cầm phổ dìu dặt…
Tiết mục "Hát múa đại thạch" của Đoàn nghệ thuật ca trù Nghệ An
Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 cũng ghi nhận những nỗ lực trao truyền nhằm mở rộng biên độ thực hành di sản ca trù của đội ngũ nghệ nhân dân gian. PGS.TS Lê Văn Toàn, người đóng vai trò “cầm cân nảy mực” tại liên hoan cho biết: “Tôi và các thành viên hội đồng thẩm định liên hoan rất vui và tự hào khi sau gần 10 năm được UNESCO ghi danh, ca trù đã được khôi phục mạnh mẽ. Bên cạnh những nghệ nhân cao tuổi là sự xuất hiện rất chín chắn, đĩnh đạc của nhiều gương mặt ca nương mới trong độ tuổi từ 9 – 16. Tôi thực sự xúc động khi tại liên hoan lần này, có 2 CLB ca trù của Hà Nội là Xuân Đỉnh và Đình Làng Việt đã xin tự nguyện đóng góp kinh phí để tham gia liên hoan”.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Lê Anh Tuấn trao giải A cho 5 đoàn xuất sắc nhất.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và đại diện Ban tổ chức trao giải B cho các đơn vị tham gia liên hoan.
Đại diện Ban tổ chức trao giải A và giải B cho các ca nương, kép đàn, quan viên
Đại diện Bộ VH-TT&DL trao bằng khen cho các CLB tham dự liên hoan
Với những gì các địa phương nắm giữ di sản đã và đang làm trong nhiều năm qua và thể hiện tại liên hoan lần này, ca trù đã thực sự “đổ hột phách giòn” vào đời sống đương đại bằng những bước đi chậm rãi nhưng vô cùng chắc chắn.
Ảnh: nam giang - đình nhất
video: lê tuấn
thiết kế: huy tùng