Thay vì tổ chức đại lễ Vu lan như mọi năm, năm nay, Ban Trị sự chùa Giai Lam chỉ tiếp nhận đăng ký làm lễ cầu siêu của người dân.
Bắt đầu từ mùng 1/7 âm lịch, phật tử khắp các vùng miền trong ngoài tỉnh đã tìm về với chùa Giai Lam (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà, Hà Tĩnh) để làm lễ cầu siêu, khấn nguyện. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay, các nghi lễ không tổ chức tập trung số lượng lớn mà chia thành nhóm nhỏ.
Thầy Thích Tâm Nguyện - Trụ trì chùa Giai Lam cho biết: “Thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh, năm nay, nhà chùa không tổ chức đại lễ Vu lan với nghi thức bông hồng cài áo như mọi năm, thay vào đó, từ mùng 1 - 15/7 sẽ tiếp nhận đăng ký làm lễ cầu siêu của các gia đình. Lễ cầu siêu được chia theo nhiều khung giờ trong ngày, mỗi lượt chỉ khoảng 20 gia đình để tránh việc tập trung đông người”.
Nhà chùa tặng quà từ thiện cho các cụ già neo đơn trên địa bàn.
Ngoài việc tổ chức lễ cầu siêu, khấn nguyện tại chùa, nhà chùa còn phát tâm từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn, những cụ già neo đơn không nơi nương tựa trên địa bàn xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà).
Tại chùa Phổ Độ (xã Hộ Độ, Lộc Hà), nếu các năm trước tính riêng trong tháng 7 đã có khoảng 3.000 gia đình đến làm lễ theo hình thức tùy tâm. Nhưng nay, nhà chùa đã ban hành những quy định thắt chặt việc đăng ký làm lễ cầu siêu của người dân.
Lễ cầu siêu tại các chùa được tổ chức linh hoạt, phân theo khung giờ và đảm bảo khoảng cách.
“Ngoài việc hạn chế số người tham gia trong các buổi lễ, nhà chùa còn phân định chỗ ngồi cho phật tử để đảm bảo khoảng cách an toàn. Từ đầu tháng 7 đến nay, nhà chùa cũng đã trang bị nước rửa tay sát khuẩn, phát gần 3.500 khẩu trang cho người dân đến lễ chùa” - thầy Thích Hạnh Minh, Trụ trì chùa Phổ Độ cho biết.
Tại chùa Cảm Sơn (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh), bảng thông báo tạm hoãn các hoạt động thường niên như khóa tu bát quan trai giới, đại lễ Vu lan đã được nhà chùa dựng ngay lối vào chính điện.
Không tổ chức đại lễ Vu lan, nhà chùa khuyến khích phật tử thành tâm nguyện cầu; thực hành nghi lễ phóng sinh để cầu mong dịch bệnh qua nhanh, mọi người được bình an, mạnh khỏe.
Chùa Cảm Sơn thông báo tạm hoãn một số hoạt động thường niên do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với việc các chùa lớn nhỏ ở Hà Tĩnh, không tổ chức đại lễ Vu lan, nhiều người dân không khỏi tiếc nuối nhưng hầu hết mọi người đều ý thức được việc phòng dịch vẫn là quan trọng nhất.
Chị Phạm Thị Liên (thôn Hữu Ninh - xã Thạch Mỹ - Lộc Hà) chia sẻ: “Năm nay, ban trị sự các chùa không tổ chức đại lễ Vu lan, không khí có buồn hơn mọi năm. Tuy nhiên, các nhà chùa đã linh động trong cách thức tổ chức nên tôi vẫn thấy an lòng khi tìm về với cửa Phật. Đó là chủ trương đúng đắn trong tình hình dịch bệnh hiện nay”.
Nghi thức phóng sinh (Ảnh Đình Nhất).
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và quy định về phòng chống dịch bệnh của UBND tỉnh Hà Tĩnh, năm nay, các chùa ở Hà Tĩnh sẽ không tổ chức đại lễ Vu Lan. Tùy tình hình cụ thể của từng địa phương, các chùa sẽ linh động hình thức, quy mô tổ chức lễ cầu siêu, khấn nguyện nhưng phải vừa đảm bảo các quy định an toàn phòng dịch cho tăng ni, phật tử và người dân đến lễ chùa, vừa giữ được ý nghĩa văn hóa tốt đẹp của mùa báo ân, báo hiếu”.
Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, linh hoạt trong cách thức hành lễ của các nhà chùa là chủ trương đúng đắn trong thời điểm hiện nay.
Vu lan là thời điểm mỗi người nhớ về công sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Báo ân, báo hiếu không cứ phải là lễ lớn, là mâm cao cỗ đầy mà đôi khi chỉ cần một phút thành tâm nguyện cầu cho cha mẹ sức khỏe, bình an; làm điều thiện để báo đáp công đức với tổ tiên.
Sự linh động trong tổ chức các nghi lễ tại nhà chùa mùa Vu lan trước diễn biến mới của dịch bệnh khiến người dân yên lòng hơn khi thực hành tín ngưỡng. Điều đó không chỉ hạn chế sự lây lan của dịch bệnh mà còn góp phần thay đổi thói quen thực hành tín ngưỡng của người dân theo hướng gọn nhẹ, văn minh mà vẫn trọn vẹn ý nghĩa.