Với việc phát hiện ra cơ chế ngăn chặn được tế bào ung thư lây lan, các nhà khoa học hi vọng sẽ tìm ra phương pháp hỗ trợ chữa bệnh ung thư trong tương lai.
Gần đây, các nhà khoa học đã xác định một cách mới để ngăn chặn sự di căn và nó đã cho thấy kết quả tuyệt vời ở chuột.
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã tìm thấy một "rào cản" ngăn chặn ung thư di căn. Nó được xây dựng bởi một protein có tên là Activin B và một thụ thể có tên ALK7 - sự kết hợp dường như đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các khối u lây lan.
Kết quả nghiên cứu của họ cho đến nay cho thấy Activin B và ALK7 tạo ra một con đường truyền tín hiệu khiến các tế bào ung thư tự chết và ngăn ngừa khối u hình thành, lan rộng.
Để ngăn chặn tế bào ung thư hoạt động, thụ thể ALK7 và protein Activin B kích hoạt cần phải hoạt động song song. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thực tế tế bào ung thư cũng tìm cách gây ức chế ngược trở lại ALK7, Activin B hoặc cả hai để sống sót.
Mặc dù phần lớn các thử nghiệm cho đến nay chỉ được thực hiện trên chuột, nhưng nó là một hi vọng trong việc chống lại bệnh ung thư trong tương lai. Nhóm nghiên cứu hiện đã nghiên cứu cả bệnh ung thư tuyến tụy và ung thư vú trên chuột.
"Việc tìm ra cách ngăn ngừa bệnh ung thư ác tính di căn là một bước quan trọng để hiểu rõ hơn và tìm ra phương án chữa trị”, nhà nghiên cứu Iacovos Michael cho biết.