Từ trước đến nay, việc tiêu thụ cam ở vùng trà sơn Can Lộc chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và thị trường nhỏ lẻ ở các chợ quê
Những ngày này, nhiều nhà vườn ở vùng trà sơn của huyện Can Lộc đang háo hức chờ đón lễ ra mắt chính thức của Hiệp hội Trồng cam Thượng Lộc. Họ mong muốn hiệp hội sẽ là cầu nối để tiếp cận với các chính sách phát triển cây ăn quả có múi, khai thác tối đa nhãn hiệu chứng nhận Cam Thượng Lộc để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời bảo hộ quyền lợi cho người sản xuất.
Anh Trần Tuấn Anh - nhà vườn ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc cho biết: “Mặc dù đã có thương hiệu nhưng do tác động của thị trường nên cũng có năm cam rớt giá. Người sản xuất phải chịu nhiều thiệt thòi do tư thương ép giá, phải bán đổ bán tháo…. Vì thế, chúng tôi mong muốn sự ra đời của hiệp hội sẽ kết nối những người trồng cam, tạo điều kiện hỗ trợ nhau từ quy trình sản xuất đến việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm”.
Nhiều nhà vườn ở vùng trà sơn Can Lộc đang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap Trong ảnh: Vườn cam của đình anh Nguyễn Văn Trạch thôn ở Anh Hùng, xã Thượng Lộc
Anh Lê Vạn Hải - Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Trồng cam Thượng Lộc cho biết: "Hiệp hội đã thu hút hơn 40 nhà vườn ở 7 xã, thị trấn vùng trà sơn đăng ký tham gia, gồm: Thượng Lộc, Mỹ Lộc, Gia Hanh, Thường Nga, Đồng Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc. Theo đó, vùng sản xuất của hiệp hội cũng đã được mở rộng hơn 120 ha với tổng sản lượng hơn 1.000 tấn.
Các thành viên của hiệp hội sẽ tuân thủ quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; cùng tìm kiếm đầu ra, hướng đến thị trường chất lượng và sẽ thống nhất về giá cả trong từng thời điểm nhằm hạn chế và dần chấm dứt tình trạng ép giá của thương lái”.
Một số trang trại tăng cường cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc, bảo vệ cây
Việc xúc tiến thành lập hiệp hội đang tạo thêm động lực để nhiều hộ sản xuất phấn đấu xây dựng thương hiệu và sản xuất thâm canh theo tiêu chuẩn Vietgap.
Chị Võ Thị Loan (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) cho biết: “Cùng với một số hộ trong tổ hợp tác, chúng tôi đã động viên nhau thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap và cũng vừa được công nhận. Đây cũng là một trong những mục tiêu đặt ra cho các hộ sản xuất trong hiệp hội trồng cam”.
Trang trại rộng 25 ha của gia đình anh Hải ở thôn Bồng Sơn (Thường Nga) ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng đã được một số hộ áp dụng. Điển hình là trại cây ăn quả Khe Lang của anh Lê Vạn Hải ở thôn Bồng Sơn (Thường Nga). Anh Hải cho biết: “Với diện tích 25 ha, tôi đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới của Israel được điều khiển bằng máy tính, đồng thời sử dụng cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc, bảo vệ…”.
Sự ra mắt của Hiệp hội Trồng Cam Thượng Lộc đã mang đến động lực mới cho những người sản xuất có khát vọng. Đây cũng chính là nền móng để người trồng cam ở Can Lộc đặt niềm tin về một thị trường chất lượng cao trong tương lai không xa.
Những năm qua, các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã tạo động lực cho việc mở rộng diện tích cam ở vùng trà sơn (Can Lộc) từ 150 ha vào năm 2010 đến nay đã tăng lên hơn 700 ha, sản lượng ước đạt 6.000 tấn. |