Nên lựa chọn bể bơi đảm bảo chất lượng vệ sinh để tránh bệnh lây nhiễm
Gia tăng trẻ viêm kết mạc sau đi bơi
Sau 3 ngày tự mua thuốc nhỏ mắt không đỡ, hai mắt con trai chị Hoàng Lan An (Ba Đình, Hà Nội) đỏ ngầu và có dấu hiệu sưng kèm theo nhiều nhử mắt. “Cách ngày mình lại cho con đi bơi ở bể công cộng gần nhà được gần tháng nay. Hôm trước đi vội quên không mang kính bơi, thằng bé cứ thế nhảy xuống bơi ầm ầm. Hậu quả ngay sáng hôm sau ngủ dậy, mắt đã đầy nhử, thấy con cứ dụi liên tục, rồi đỏ ngầu. Tôi đã cho con nhỏ thuốc nhưng có vẻ nặng hơn nên đành nghỉ làm đưa con đi khám”, chị An cho biết. Tại BV Mắt Hà Nội 2, con trai chị An được các bác sĩ chẩn đoán viêm kết mạc.
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn BV Mắt Hà Nội 2 cho biết: “Gần đây, khá nhiều bệnh nhân bị viêm kết mạc tới thăm khám, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân phổ biến là do mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở các bể bơi công cộng. Trong đó, viêm kết mạc có thể do trong bể bơi có chất chlorine làm mắt đỏ kích ứng kéo dài. Ngoài ra, việc tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường mà còn làm tăng cơ hội lây nhiễm các loại vi khuẩn như Chalamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục xâm nhập mắt. Biểu hiện thường thấy là bệnh nhân mắt đỏ, ra nhiều nhử, kết mạc có hột đặc hiệu, bệnh diễn biến kéo dài nếu không được điều trị đúng”.
Cũng theo cảnh báo của BS. Nguyên, sau khi bơi, nếu trẻ có những dấu hiệu như: cộm, xốn, rát và mắt đỏ, ngứa, sưng nề, chảy nước mắt, nghĩa là trẻ đã bị viêm kết mạc. Nếu chăm sóc không tốt, hay dụi mắt hoặc dùng khăn không sạch lau chùi mắt thì sau hai - ba ngày trẻ sẽ bị bội nhiễm làm mắt đổ ghèn. Khi ghèn có màu vàng, xanh chứng tỏ mắt trẻ đã bị nhiễm trùng, dịch tiết lúc này không phải là nước mắt, mà là nhầy, mủ. Nếu chăm sóc tốt, có thể tự khỏi sau hai tuần. Nếu chăm sóc không đúng cách, có thể gây viêm loét giác mạc, làm mờ mắt hoặc có thể bị mù.
“Để phòng bệnh, cha mẹ cần lưu ý tìm cho trẻ bể bơi đảm bảo chất lượng vệ sinh. Sau khi trẻ bơi xong, cha mẹ nên cho trẻ rửa mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lý 9 phần nghìn. Nếu không may trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám, để được tư vấn điều trị, không nên tự ý dùng thuốc, sẽ tăng nguy cơ khiến bệnh nặng nề hơn”, BS. Nguyên khuyến cáo.
Viêm da, nấm tóc do đi bơi
Tại BV Da liễu T.Ư, hai bố con anh Nguyễn Văn Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa nhau đi khám vì trên người nổi đầy vết mẩn ngứa. “Mình người lớn còn kiềm chế không gãi dù ngứa, thế nhưng con trẻ ngứa không chịu được, hai chân nó giờ toét hết cả ra vì gãi. Đêm hôm lùng sục gãi khiến cả nhà cùng mất ngủ nên tôi đành đưa con đi khám”, anh Thanh cho hay. Theo anh Thanh, có lẽ đợt vừa rồi nắng nóng ngày nào hai bố con cũng đi bơi ở bể gần nhà. Dù đi giờ nào, bể cũng đông đặc người và thường nồng mùi khử clo.
BS. Hoàng Thị Phượng, Phó trưởng khoa Bệnh da phụ nữ, trẻ em, BV Da liễu T.Ư cho biết: “Vào hè, bệnh viện tiếp nhận khá đông bệnh nhân mắc bệnh lý về da do bơi lội ở các bể bơi kém chất lượng, trong đó khá đông trẻ nhỏ. Phần lớn mắc nhiễm khuẩn, nhiễm vi nấm ở da, nấm da, chốc lở, viêm da tiếp xúc…”
Bệnh lý do nấm thường gặp ở người đi bơi là hắc lào, nấm móng, nấm tóc. Sau khi nhiễm các vi nấm kể trên từ 5-7 ngày, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, viêm loét tại các vị trí thương tổn. Bệnh do vi nấm dễ lây, ảnh hưởng tới chất lượng sống và thẩm mỹ. Ngoài ra, người hay đi bơi còn viêm da tiếp xúc do hóa chất vệ sinh bể. Khi viêm da, trẻ thường ngứa, gãi nhiều. Điều này nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị kịp thời, bởi nhiễm khuẩn còn có thể gây viêm cầu thận…
“Trước khi bơi, mọi người nên bôi một lớp nhẹ vazelin khắp cơ thể nhằm tạo lớp bảo vệ da, cần tắm tráng trước khi xuống bể để giữ gìn vệ sinh chung. Sau khi bơi xong, cần tắm ngay, sử dụng sữa tắm, dầu gội trung tính để bảo vệ da, tránh khô da. Với những người vốn mắc bệnh lý lây nhiễm không nên đến các bể bơi công cộng, tránh lây nhiễm sang người xung quanh”, BS. Phượng khuyến cáo.