Cần làm gì khi sơ cứu cho người bị đột quỵ?

Sau 3-6 giờ bị đột quỵ, bệnh nhân nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Theo Mayo Clinic, đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần não bộ bị gián đoạn hoặc giảm, cản trở mô não nhận oxy và dinh dưỡng. Tế bào não bắt đầu chết sau vài phút. Khi tế bào não chết đi, chức năng của não bị mất.

Khi đó, bạn có thể không kiểm soát được những hành động, khả năng của mình như di chuyển, nói, ăn, suy nghĩ, ghi nhớ, cảm xúc...

Ai có nguy cơ bị đột quỵ?

Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi. Một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ không thể kiểm soát như giới tính, tuổi tác và tiền sử gia đình. Tuy nhiên, nhiều yếu tố liên quan lối sống, thói quen, bệnh tật.

Cao huyết áp: Huyết áp trên 140/90 làm suy yếu và tổn thương thành mạch máu, có thể dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là xuất huyết não. Tình trạng này cũng có thể làm dày thành động mạch, dẫn đến thu hẹp và cuối cùng là tắc nghẽn mạch (đột quỵ do thiếu máu cục bộ).

Cần làm gì khi sơ cứu cho người bị đột quỵ?

Những người bị huyết áp cao có nguy cơ đột quỵ. Ảnh: CDC

Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân chính gây đột quỵ. Khi bạn bị xơ vữa động mạch, các động mạch bị ảnh hưởng, trở nên cứng, không linh hoạt và bị thu hẹp do các mảng bám cholesterol lắng đọng. Điều này dẫn đến hình thành các cục máu đông. Chúng có thể khiến động mạch tắc nghẽn hoặc vỡ ra, làm thuyên tắc mạch máu, gây đột quỵ.

Bệnh tiểu đường: Đây là tình trạng mạn tính, trong đó, cơ thể không thể sử dụng lượng đường trong máu. Người bị tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp đôi so với người cùng giới tính và độ tuổi, không mắc bệnh.

Bệnh tim: Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng thứ hai của đột quỵ. Nó cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người sống sót sau đột quỵ. Bệnh tim và đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau.

Hút thuốc: Thói quen này có thể tăng gấp 2-4 lần nguy cơ đột quỵ. Một số hóa chất trong khói thuốc như nicotine và carbon monoxide đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch. Khói thuốc lá buộc các động mạch co lại, khiến máu đông đặc khó di chuyển qua các mạch hơn.

Lạm dụng rượu: Những người uống rượu bia nhiều có nguy cơ bị đột quỵ, đặc biệt đột quỵ do xuất huyết, cao gấp 3 lần, bất kể tuổi tác của họ.

Các yếu tố khác liên quan nguy cơ đột quỵ cao hơn bao gồm:

- Tuổi tác: Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người trẻ tuổi.

- Giới tính: Đàn ông có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ thường trông già hơn khi bị đột quỵ và có nhiều khả năng chết vì đột quỵ hơn nam giới.

- Nội tiết tố: Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone bao gồm estrogen làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Cần làm gì khi sơ cứu cho người bị đột quỵ?

Méo miệng là triệu chứng phổ biến cảnh báo đột quỵ. Ảnh: Stroke

Cách kiểm tra người đột quỵ

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao. Một trong yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội chữa trị cho người bị đột quỵ não là nhận biết sớm các triệu chứng cảnh báo.

Bệnh nhân đột quỵ thường xuất hiện triệu chứng như đột ngột hôn mê, mất ý thức, mất thăng bằng, không phối hợp động tác...

Khi nghi ngờ người nào đó bị đột quỵ, chúng ta có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ tay lên. Nếu họ không giữ được thăng bằng, cần chuẩn bị sơ cứu ngay lập tức. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không thể huýt sáo khi được yêu cầu, không thể nói hoặc nói bị méo tiếng, mặt méo...

Cần làm gì khi sơ cứu cho người bị đột quỵ?

Bạn cần đặt bệnh nhân bị đột quỵ nằm nghiêng để tránh sặc. Ảnh: Medicalnewstoday

Cách sơ cứu

Bệnh nhân đột quỵ là cấp cứu nội khoa nên cần phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não, sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Gia đình cần gọi cấp cứu 115 nhanh nhất. Theo Medical News Today, trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế, chúng ta phải sơ cứu bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân có ý thức:

- Đặt bệnh nhân nằm gối cao 30-45 độ. Sau đó, cố gắng không di chuyển họ.

- Nới lỏng quần áo, bỏ khăn quàng nếu có.

- Nếu người bệnh bị lạnh, hãy dùng chăn hoặc áo khoác để giữ ấm.

- Kiểm tra xem đường thở của họ có thông thoáng không. Nếu có dị vật hay chất nôn trong miệng của người bệnh, bạn hãy đặt họ nằm nghiêng để tránh sặc.

- Trấn an người bệnh. Nói với họ cấp cứu đang tới.

- Không cho họ ăn bất kỳ thức ăn hoặc chất lỏng nào.

- Để ý triệu chứng và sự thay đổi về tình trạng bệnh của họ để cung cấp thông tin cho nhân viên y tế.

- Nhớ thời gian mà người bệnh bắt đầu triệu chứng.

Nếu bệnh nhân bất tỉnh:

- Đặt họ nằm nghiêng, cánh tay để trước ngực, một chân thẳng, gập đầu gối chân còn lại.

- Theo dõi đường thở và nhịp thở của họ: Nâng cằm của người đó và hơi nghiêng đầu về phía sau; nhìn xem ngực họ có cử động không; lắng nghe nhịp thở.

- Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu thở, bạn hãy hô hấp nhân tạo (hồi sức tim phổi).

Những bệnh nhân đã bị đột quỵ một lần có nguy cơ tái phát rất cao. Do đó, họ cần được giám sát chặt chẽ y tế để điều trị yếu tố nguy cơ. Hàng ngày, người bệnh nên có 30-45 phút vận động để giảm thiểu nguy cơ.

Theo Zing

Đọc thêm

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, từ ngày mai (17/11), Hà Tĩnh khả năng có gió Đông Bắc mạnh cấp 3, cấp 4; nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15