Đó là thực trạng mà các tiểu thương kinh doanh tại chợ Kỳ Anh phản ánh.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa chợ trên địa bàn toàn tỉnh, chợ Kỳ Anh đã được Công ty Xuất nhập khẩu Châu Tuấn xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng, khánh thành vào cuối tháng 10/2015. Sau khi hoàn thành, chợ Kỳ Anh trở thành một trong những chợ hiện đại, gồm đình chính 2 tầng; 4 đình với tổng số 1.200 ki-ốt. Chợ có kho đông lạnh rộng 204,75 m2, khu vực chợ trời 1.000 m2. Chợ mới khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh, buôn bán.
Cùng với sự nỗ lực của nhà đầu tư, chính quyền TX Kỳ Anh đã vào cuộc một cách đồng bộ để tuyên truyền, vận động các tiểu thương kinh doanh tại chợ cũ sớm di dời vào chợ mới. Tuy vậy, tính đến nay, mới chỉ có khoảng 550 ki-ốt trên tổng số hơn 1.200 ki-ốt; tình hình kinh doanh hết sức ế ẩm. Chị Thảo Hoa, kinh doanh các mặt hàng giày dép, tạp hóa than thở: “Tôi thuê ốt này trong vòng 10 năm với tiền thuê cả trăm triệu bạc. Nhưng mỗi ngày bày hàng ra bán là thấy nản. Chẳng có khách mua, cho dù ốt tôi nằm ở vị trí mặt tiền”.
Đặc biệt, tại các hàng cá, thịt vốn chỉ mới có một số người thuê ki-ốt, nay lại càng trở nên vắng lặng hơn do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển. Bên cạnh đó, hiện nay, toàn bộ tầng 2 chưa có gian hàng nào; một số ki-ốt tại tầng 1, khu vực mặt tiền đã nghỉ bán, kèm theo đó là rao chuyển nhượng lại ki-ốt.
Các ki ốt tầng 2 của chợ vẫn chưa có người thuê.
Theo anh Lê Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TX Kỳ Anh (đơn vị hợp đồng với chủ đầu tư để quản lý chợ Kỳ Anh) thì: So với thời kỳ chợ cũ thì chợ mới chưa thể đông khách bằng. Nguyên nhân được cho là do các ki-ốt ở khu vực chợ cũ đang hoạt động trở lại nên đã thu hút một lượng khách lớn. Ngoài ra, thời gian gần đây, do bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nên ít nhiều khiến sức mua của bà con sụt giảm đáng kể”. Anh Thành cũng cho rằng, xây dựng chợ Kỳ Anh ngoài đáp ứng nhu cầu hiện nay thì còn tính đến sự phát triển của tương lai, nên toàn bộ ki-ốt tầng 2 từ 1 đến vài năm tới sẽ vẫn chưa thể lấp đầy.
Trái ngược với sự đìu hiu, ảm đạm của chợ mới là sự nhộn nhịp, tấp nập của các ki-ốt tại khu vực gần chợ cũ. Qua khảo sát, tại các tuyến đường thuộc tổ dân phố Châu Phố và tổ dân phố 2 của phường Sông Trí vốn chỉ là đường đi lại của người dân giờ đây lại trở thành nơi để các tiểu thương buôn bán. Tại đây, có đầy đủ các mặt hàng như: giày dép, áo quần, rau, củ, quả… Các quán hàng này luôn nhộn nhịp cảnh buôn bán, xe cộ vào ra… Qua tìm hiểu, được biết, chủ các ki-ốt này là các tiểu thương từng phản đối chủ trương di dời chợ. Do phản đối không thành nên thay vì vào chợ mới, các hộ này đã tự mở ki-ốt tại nhà, hoặc thuê đất mở ki-ốt.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh khẳng định: Hiện nay, có tình trạng các tiểu thương tham gia buôn bán tại khu vực gần chợ cũ. Tuy nhiên, do nhiều hộ kinh doanh tự mở quán tại nhà, có đăng ký kinh doanh nên không thể cấm được. Thị xã đang giám sát, quản lý chặt chẽ và kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lề đường kinh doanh, đặc biệt là buôn bán thực phẩm.
Thực tế đã chứng minh, việc xây dựng chợ bằng hình thức xã hội hóa là một hướng đi đúng. Để chợ TX Kỳ Anh phát triển thành một trung tâm thương mại văn minh, xứng tầm với đô thị mới, chính quyền thị xã cùng nhà đầu tư cần tiếp tục có các giải pháp mới, quyết liệt hơn. Đây vừa là việc làm tạo sự công bằng cho các tiểu thương chấp hành tốt việc di dời chợ, đồng thời, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong việc chuyển đổi chợ ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.