Cuộc nghiên cứu của trường Đại học Pittsburgh School of Medicine (Mỹ) với những người trưởng thành trẻ cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội có thể liên quan đến hiện tượng một người nào đó có cảm giác ngày càng bị cô lập. "Chúng ta vốn đã là những sinh vật xã hội, tuy nhiên, cuộc sống hiện đại có xu hướng ngăn cách thay vì mang chúng ta lại gần nhau hơn" - Brian Primack, người đứng đầu cuộc nghiên cứu và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Media, Công nghệ và Sức khoẻ thuộc trường Pittsburgh, chia sẻ.
"Mặc dù nhìn bề ngoài, mạng xã hội có vẻ như là cơ hội để chúng ta lấp đầy khoảng trống xã hội, tuy nhiên, tôi nghĩ nghiên cứu này cho thấy nó (mạng xã hội) không phải là giải pháp mà chúng ta cần đến" - chuyên gia Primack cho biết.
Nghiên cứu này là dự án mới nhất trong nỗ lực của các chuyên gia nhằm xác định chính xác việc dùng mạng xã hội ảnh hưởng ra sao tới sức khoẻ tâm thần chúng ta. Năm 2014, một số khảo sát cho thấy, sử dụng mạng xã hội liên quan đến việc con người có lòng tự trọng thấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu thì khẳng định điều ngược lại: mạng xã hội giúp con người tăng lòng tự trọng của mình lên.
Thách thức lớn mà giới nghiên cứu phải đối mặt đó là xác định yếu tố nào có trước: sự gia tăng của sử dụng mạng xã hội hay cảm giác cô lập, trầm cảm và lo lắng. Liệu mạng xã hội khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, hay nó đơn giản chỉ làm trầm trọng thêm những cảm xúc mà chúng ta đã có sẵn?
"Rất có thể những người trưởng thành trẻ ban đầu cảm thấy cô đơn, sau đó tìm tới mạng xã hội. Hoặc cũng có thể rằng việc dùng quá nhiều mạng xã hội khiến họ có cảm giác bị cô lập khỏi thế giới thật. Và nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ cả hai" - Elizabeth Miller, chuyên gia trong nhóm thực hiện nghiên cứu của trường Pittsburgh, cho biết.
Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia của trường Pittsburgh năm 2014 đã khảo sát gần 1.800 người trưởng thành ở Mỹ giữa độ tuổi 19 và 32. Những người tham gia đã điền vào các bảng câu hỏi để cung cấp những thông tin như: mức độ thường xuyên của việc dùng mạng xã hội, dùng trong bao lâu và dùng những mạng xã hội nào trong số 11 cái tên phổ biến nhất: Facebook, YouTube, Twitter, Google Plus, Instagram, Snapchat, Reddit, Tumblr, Pinterest, Vine, LinkedIn.
Kiểm soát nhiều nhân tố xã hội và nhân khẩu học, các chuyên gia thấy rằng những người tham gia thực hiện nếu dùng mạng xã hội hơn 2 giờ/ngày có nguy cơ cô đơn cao gấp 2 lần những người dành dưới 30 phút/ngày cho mạng xã hội. Những người tham gia khảo sát nếu dùng nhiều mạng xã hội và truy cập chúng từ 58 lần trở lên/tuần có nguy cơ cảm thấy cô đơn cao hơn gấp 3 lần những người truy cập dưới 9 lần/tuần.
Primack và các cộng sự cho biết, họ sẽ cần thêm các nghiên cứu khác để hiểu được những sắc thái xung quanh việc dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, họ có một số lý thuyết về việc càng dùng nhiều mạng xã hội có thể khiến con người cảm thấy cô đơn.
Đầu tiên, nếu bạn suốt ngày dán mắt vào chiếc iPhone, bạn sẽ có ít thời gian hơn cho việc tương tác với thế giới thực. Thứ hai, một số thứ trên mạng xã hội có thể làm cho người khác cảm thấy bị bỏ rơi, như khi họ nhìn thấy bạn bè đăng ảnh bữa tiệc mà họ không được mời tham gia. Và thứ ba, rất ít trong chúng ta chia sẻ những thông tin tiêu cực của đời sống và việc trên mạng xã hội ngập tràn những bức ảnh người khác hạnh phúc khiến bạn cảm thấy những người khác đều có một cuộc sống tốt đẹp, ngoại trừ bản thân bạn.