Mỗi khi màn hình điện thoại di động sáng lên cùng một dãy số xa lạ, trong tôi lại dấy lên nhiều cảm xúc lẫn lộn: vừa có chút hy vọng, lại xen lẫn không ít e dè, thậm chí là lo lắng.

Tôi rất muốn nhấc máy, bởi biết đâu đó là một người đang cần sự tư vấn pháp luật gấp, một lĩnh vực mà tôi có chút hiểu biết và luôn sẵn lòng chia sẻ. Hoặc giả, đó là một tin báo khẩn cấp từ quê nhà, liên quan đến sức khỏe, an nguy của người thân, bạn bè - những cuộc gọi mà chỉ cần bỏ lỡ cũng có thể mang lại sự ân hận khôn nguôi.
Thế nhưng, bên cạnh sự mong chờ ấy là cả một nỗi ám ảnh không hề nhỏ. Tôi thực sự rất ngại phải nghe những lời mời chào mua đất nền ở những dự án xa lắc, những căn hộ nghỉ dưỡng mà tôi không thể với tới. Tôi cũng mệt mỏi với những cuộc điện thoại tự xưng là người của cơ quan này, đơn vị nọ, rồi vòng vo hỏi han xem có quen biết ai đó đang nợ tiền không trả. Đáng sợ hơn cả là những cuộc gọi lừa đảo ngày càng tinh vi, với đủ kịch bản từ thông báo trúng thưởng ảo, giả danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền, cho đến dọa nạt người nghe vì liên quan đến một vụ án nào đó. Mỗi lần như vậy, không chỉ mất thời gian, mà cảm giác cảnh giác, bất an lại dâng lên, bào mòn niềm tin vào những kết nối tưởng chừng như vô hại.
Trước thực trạng này, thời gian qua, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam đã có những động thái tích cực. Việc siết chặt quản lý sim rác, yêu cầu đăng ký sim chính chủ được kỳ vọng sẽ là một "lá chắn" hiệu quả, hạn chế tối đa các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn quảng cáo làm phiền người dùng.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ sức răn đe. Như một sự thách thức, những cuộc gọi lừa đảo, quảng cáo không mong muốn vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Chúng không những không giảm mà còn có dấu hiệu biến tướng, tinh vi hơn để lách qua các hàng rào kiểm soát. Sim rác vẫn được mua bán, các tổng đài ảo vẫn hoạt động và người dùng vẫn tiếp tục là nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo, quấy rối. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Trách nhiệm của các nhà mạng thực sự ở đâu? Liệu họ đã làm hết sức mình, đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để lọc chặn, hay vẫn còn đó những kẽ hở, thậm chí là sự làm ngơ nhất định vì những lợi ích nào đó?
Không chỉ nhà mạng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần được đặt lên bàn cân. Các quy định pháp luật đã đủ mạnh, đủ chi tiết để xử lý triệt để vấn nạn này chưa? Việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm đã thực sự nghiêm minh và mang tính răn đe cao hay chưa? Sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn tội phạm công nghệ cao sử dụng viễn thông đã thực sự chặt chẽ và hiệu quả chưa?