Cặp vợ chồng “phượt thủ” U70 gây “choáng” khi xuyên Việt bằng xe máy

Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng vợ chồng ông Minh (Long Xuyên, An Giang) vẫn cùng nhau phượt xuyên Việt bằng xe máy, qua cả một số nước Đông Nam Á và Mỹ.

Trước năm 1975, ông Mong Phước Minh (73 tuổi) là Kỹ sư nông nghiệp, vợ là Nguyễn Thị Ngọc Cúc (71 tuổi) kỹ sư hóa học, công tác tại Đại học Cần Thơ. Nhưng 4 năm sau đó, 2 vợ chồng cùng nghỉ dạy học về sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, đến 2003 thì nghỉ hưu vì bị bệnh.

Phượt xuyên Việt bằng xe máy trong 40 ngày

Khi con cái đã trưởng thành, các cháu nội ngoại đã lớn, vợ chồng ông Minh đã chọn cách “nghỉ ngơi”, giải trí bằng những chuyến “phượt” từ Bắc đến Nam bằng chiếc xe máy cũ kỹ để khám phá vẻ đẹp của đất nước, thiên nhiên, con người.

Cặp vợ chồng phượt thủ U70 có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày nên sức khỏe vẫn dẻo dai, lạc quan, xem “phượt” là cách tận hưởng cuộc sống, niềm vui tuổi già.

Vợ chồng ông Minh bên những đồi hoa tam giác mạch ở Hà Giang, trong chuyến phượt xuyên Việt năm 2015.

“Tôi không uống rượu, chỉ lâu lâu nơi quán lạ ven đường, hút 1 điếu thuốc bên cốc cà phê để được...”nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây...“. Hàng ngày tôi dành 40 phút tập thể dục, vợ tôi tập mấy bài Thái Cực Quyền để duy trì thể lực”, phượt thủ U70 chia sẻ.

Đặc biệt, cả 2 vợ chồng ông Minh đều có đam mê chụp ảnh và cũng có chút kiến thức về ảnh, nên các chuyến đi ngoài khám phá, thưởng ngoạn cảnh đẹp thì còn là dịp để luyện “kỹ nghệ” chụp ảnh.

Từ năm 1994, ông Minh đã có những quyết định “táo bạo” như thuê xe lôi thùng chở vợ và 2 con vi vu từ Long xuyên xuống Bạc Liêu, một năm sau đó, cả gia đình lại cùng phượt từ Long Xuyên ra Phan Thiết bằng xe cup cánh én xem nhật thực toàn phần.

Tháng 9/2015, vợ chồng ông xếp đồ đạc lên chiếc xe Daehan120cc mua từ năm 2000, lên đường đi phượt xuyên Việt trong 40 ngày, trước đó ông đã đưa vợ đi phượt sang một số nước Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Myanmar…

Cặp vợ chồng già vi vu ở Myanmar hồi tháng 6/2013.

Ông Minh tâm sự: “Đi đâu rồi cũng nhớ nhà mình, nhớ đất nước mình. Đi để hiểu thêm về thế giới, để thỏa mãn sự tò mò về văn hóa nước bạn, nhưng khi nhìn lại, với tôi, chỉ có quê hương, đất nước mình là đẹp nhất, đáng yêu nhất”.

Bởi vậy mà trong hàng chục chuyến đi, ông lập riêng một album mang tên “Việt Nam quê hương tôi”, để lưu lại những bức ảnh dọc dải đất hình chữ S mà 2 vợ chồng ông đã đi qua, mỗi lần ngắm nhìn lại khung cảnh thiên nhiên lộng lẫy do chính mình ghi lại ông đều rơi nước mắt.

“Lần tới thăm thác Bản Giốc (Cao Bằng), tôi đã khóc ngất khi đứng nhìn con thác đẹp lộng lẫy của đất nước mình”, ông Minh xúc động nhớ lại.

“Có vợ ngồi sau, đi đâu cũng được”

Cặp vợ chồng già đã cùng nhau lên rừng xuống biển, chinh phục những cung đường đèo hiểm trở không thua kém các phượt thủ trẻ tuổi.

Sau mỗi chuyến lang thang, ông Minh lại ngồi chỉnh sửa những tấm ảnh đã chụp, ghi chép lại nhật ký chuyến đi qua ảnh rồi chia sẻ với bạn bè. Khi mạng xã hội Facebook chưa phổ biến, ông chia sẻ qua email, qua diễn đàn phượt.

“Thật sự đó là một công việc rất bận rộn và thú vị vì chỉnh sửa ảnh cũng cực lắm. Tôi viết trung thực lại những gì mình thấy, những gì mình nghĩ. Nhiều lúc viết say sưa đến 1, 2 giờ sáng. Sau này có Facebook, tôi chia sẻ thông tin về chuyến đi thường xuyên hơn trên trang mạng này”, ông Minh kể.

Đi phượt bằng xe gắn máy suốt đoạn đường dài hàng ngàn cây số đối với người trên 70 tuổi không phải chuyện đơn giản. Nhưng với ông Minh và bà Cúc giờ đã thành “nghiện”, bằng cách nào đó mỗi năm ông bà cũng phải có 1 chuyến đi cho “ra hồn”.

Và ít nhất cũng có chút phiêu lưu bụi bặm, tự khám phá chứ không phải đi chơi có hướng dẫn viên du lịch, ở nhà nghỉ sang trọng.

“Đi mà dễ như ra đầu ngõ uống chút cà phê thì thôi, nên ở nhà. Nhưng đi chơi phải tính toán kỹ càng, đảm bảo an toàn, không liều mạng!”, Phượt thủ U70 chiêm nghiệm.

Đó không chỉ là nguyên tắc mà còn là trách nhiệm của chính bản thân dành cho mình và cho con, cháu, người thân, bạn bè...Vì vậy, vợ chồng ông Minh luôn có những phương án đối phó với khó khăn dọc đường đi.

Chuyến đi nào cũng đi cùng vợ nên trước chuyến đi, bà Cúc sẽ sắp xếp đồ đạc từ quần áo đến đồ ăn mang theo. Trên đường đi, bà đóng vai trò là người dẫn đường cho ông Minh băng băng vượt qua các tỉnh thành của đất nước mình, đất nước bạn.

Vợ chồng ông Minh luôn đồng hành cùng nhau trong mọi chuyến đi.

Ông Minh bồi hồi nhớ về hình ảnh luôn in trong tâm trí của mình: “Vào một buổi chiều tại phố Khaosan (Thái Lan), khi dắt xe đi phía sau vợ đến địa điểm bắt xe bus đi lên cửa khẩu Measot để qua Myanmar, nhìn người phụ nữ đi phía trước, cũng dắt xe đạp, rất bụi, tôi rưng rưng nước mắt vì từ mấy chục năm qua, người phụ ấy vẫn luôn ngồi phía sau xe máy để cùng mình chinh phục mọi nẻo đường!”.

“Tóm lại, cứ có bà xã ngồi sau dẫn đường là khỏi lo, đi đâu cũng được, miễn là vợ chồng luôn đồng hành”, người phượt thủ già đúc kết.

Theo Hà Hiền/dantri; ảnh: NVCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói