Hai năm trước, trong khuôn khổ vòng loại U.19 Châu Á, bóng đá Việt Nam từng thắng U.19 Úc đến 5 - 1 với sự vượt trội của các cầu thủ trẻ lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thiết, Trùm Tỉnh… Xa hơn nữa là U.16 lứa Văn Quyến, Như Thuật, Minh Đức, Đức Anh, Lâm Tấn, Ánh Cường… năm 2000 từng hạ nhục đội U.16 Trung Quốc và loại đội này từ vòng bảng. Chiến thắng khiến truyền thông Châu Á đặt lứa cầu thủ trẻ Việt Nam vào danh sách tiềm năng của Châu lục và Văn Quyến đoạt luôn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Trả lời phỏng vấn báo chí khu vực thời điểm ấy, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh khẳng định, xuất phát điểm bóng đá trẻ Việt Nam không hề thua quốc gia nào. Tất nhiên ông Thanh cũng nói về những lo lắng và khó khăn mà lứa cầu thủ trẻ Việt Nam không thua quốc gia nào có thể sẽ thui chột nếu không được đầu tư đúng mực và thiếu những phương pháp huấn luyện khoa học, thiếu môi trường tốt để phát triển…
16 năm qua vế đầu mà ông Hồng Thanh nhận định vẫn được khẳng định qua những thành tích ở giải trẻ nhưng vì sao càng lớn thì vế “không thua ai” càng đánh mất rồi trở về với nguyên bản cùng hàng loạt những yếu kém, khó khăn so với khu vực. Trong khi đó những lứa U.16, U.19 của Trung Quốc, Úc… từng thua Việt Nam lại cứng cáp dần và trở nên những trụ cột ở đội tuyển quốc gia sau này. Thậm chí là có cầu thủ còn sang Châu Âu thi đấu…
Để giữ vị trí “không thua ai” từ cấp độ bóng đá trẻ đến bóng đá lớn rõ ràng còn phải lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều mà cựu trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh từng nói nhưng đến nay những nhà làm bóng đá Việt Nam vẫn chưa có giải pháp cho công cuộc phát triển những tài năng trẻ bằng kế hoạch và lộ trình bài bản, khoa học…
Đấy lại là vấn đề không chỉ nằm trong thể chất, con người mà là ở lộ trình phát triển của một cơ quan đầu não quyết định đến sự phát triển của một nền bóng đá.