Cây đại thụ của làng Sử học Việt Nam đã ngã xuống

(Baohatinh.vn) - Giữa những giờ phút cận kề năm cũ và năm mới, người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng lặng người xúc động và tiếc thương khi nghe tin Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm giã từ những mùa Xuân của Việt Nam để đến với “thế giới người hiền” ở tuổi chín mươi hai.

>> Như dòng sông Hồng chảy mãi không nguôi...

Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm sinh ra tại miền quê Sơn Tân - Hương Sơn. Thời thơ ấu, ông theo gia đình về sống tại thị xã Hà Tĩnh một thời gian rồi chuyển ra Thanh Hóa. Lần gặp tôi vào năm hai ngàn không mười tại nhà riêng ở căn hộ cao tầng phố Lò Đúc, ông đã kể cho tôi nghe những tháng ngày sôi nổi tham gia hoạt động giảng dạy và nghiên cứu Lịch sử.

Năm 1946, ông đã dạy trung học ở Lam Sơn, năm 1954 ra Hà Nội học Đại học sư phạm Văn khoa, đến năm 1956 tốt nghiệp và được phân công giảng dạy bộ môn Lịch sử cận đại tại Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

GS Đinh Xuân Lâm - Ảnh: ĐHQGHN

Sự nghiệp khoa học của chàng trai mang trong huyết quản của mình nhiều ân nghĩa với quê hương đất nước cũng bắt đầu từ đây. Ngoài những giờ trên bục giảng, ông giành nhiều thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu và viết bài cho các tạp chí, giáo trình, sách khoa học. Nhiều công trình do ông chủ biên hoặc tham gia viết là sách giáo khoa, giáo trình của học sinh, sinh viên như “Lịch sử Việt Nam Cận đại” tập 2… Nhiều công trình mang tính khai mở, phát hiện cao, góp phần đúc kết những bài học về chính trị, kinh tế, văn hóa, KHKT của các triều đại, các nhân vật trong lịch sử cho đời sau như: “Tứ bình thời Lê Trịnh”, “Phong trào Đông kinh nghĩa thục”…

Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử, ông đã cùng các nhà nghiên cứu như: Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều diễn đàn khoa học để khơi dậy những giá trị to lớn mà cha ông để lại, làm phong phú và sâu sắc thêm những di sản vật thể và phi vật thể. Đó là những bài viết: “Nhà đấu xảo”, “Phố Tràng Tiền”, “Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”... Ông tham gia chủ trì hội thảo “Lê Trịnh với Thăng Long - Hà Nội”, viết bài cho các hội thảo về nhà Nguyễn, nhà Mạc và 7 hội thảo về các dòng họ khác trên cả nước.

Đến nay, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã có trên 300 công trình nghiên cứu, trong đó có 210 đầu sách, 614 bài viết cho các tạp chí… Năm 1980, ông được phong nhà giáo nhân dân và năm 1984 được phong hàm giáo sư. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu trong nước, ông còn được mời tham gia giảng dạy tại các trường đại học ở Pháp, Hà Lan, Đức, làm chuyên gia ở Malaysia, Châu Phi. Ông đã nhiều lần trở về Hà Tĩnh, tham gia viết “ Thông sử Hà Tĩnh”, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh”, tham gia các hội thảo về Nguyễn Công Trứ, Tùng Ảnh, Ngã ba Đồng Lộc”

Dù không có nhiều ký ức tuổi thơ ở Hà Tĩnh nhưng những tên đất, tên người Hà Tĩnh ghi đậm dấu ấn trong tâm trí ông. Đó là một vùng đã hiến dâng cho đất nước, cho Thăng Long nhiều danh nhân, hiền tài, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, khoa học Lịch sử...

Ngành Sử Việt Nam cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI nổi lên “tứ trụ” mà sách báo cũng như giới Sử học hay nhắc đến là: Lâm, Lê, Tấn, Vượng, tức Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn, Giáo sư Trần Quốc Vượng. Ba trong “tứ trụ” ấy là người Hà Tĩnh, nay chỉ còn Giáo sư Phan Huy Lê vẫn mạnh khỏe minh mẫn.

Nay Giáo sư Đinh Xuân Lâm lại ra đi, dù tuổi chín mươi hai đã là thượng thọ, nhưng làng Sử học vẫn thấy trống vắng như mất đi một cái cây lớn. Nhớ cách đây không lâu, tại Đại hội Hội Kiều học Việt Nam, nhà Sử học Bùi Thiết còn kể với tôi về tình trạng sức khỏe không tốt của Giáo sư, vậy mà nay Giáo sư đã đi xa. Những người cống hiến hết mình cho hồn cốt quê hương, cho sử sách dân tộc, “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Sự nghiệp, trước tác cùng những giá trị to lớn của các công trình nghiên cứu của ông mãi còn là kho báu cho ngành Sử học nước nhà.

Thay cho nén tâm nhang, tôi muốn nhắc lại hình ảnh mình đã từng viết về ông “Như dòng sông Hồng chảy mãi không nguôi”. Giáo sư Đinh Xuân Lâm sẽ hòa mình vào hồn thiêng sông núi, chảy mãi như dòng sông Hồng Hà Nội, sông Ngàn Phố quê ông. Tất cả sẽ cùng xuôi về biển lớn của tình yêu dân tộc. Ở nơi đó, linh hồn ông sẽ mãi vĩnh hằng.

Hai mươi chín tháng Chạp Bính Thân

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói