Nếu như thường ngày, mỗi ca làm việc của nhân viên gác chắn chỉ đón 20 chuyến tàu thì vào ngày cận hoặc ra Tết, con số này có khi lên đến 30 chuyến.
Những ngày cuối năm tại trạm gác chắn Km 315+717 giao giữa xã Hương Thủy và xã Phúc Đồng (huyện Hương Khê), dòng phương tiện giao thông vẫn hối hả ngược xuôi, bỗng tiếng còi báo hiệu, âm thanh phát ra từ hộp đài thao tác vang lên từng hồi dài. Những nhân viên gác trạm thoăn thoắt cầm cờ chạy ra ngoài kéo barie chắn ngang con đường và đứng làm hiệu để các phương tiện dừng lại phục vụ cho đoàn tàu về ga, rời ga.
Trong nhịp quay của 365 ngày, bất kể nắng hay mưa thì những nhân viên gác chắn đường tàu vẫn âm thầm, lặng lẽ hoàn thành công việc của mình. Nỗi vất vả ấy càng được nhân lên vào những dịp lễ, tết, khi các chuyến tàu được tăng cường để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Nghe qua công việc trực điện thoại, ghi chép nhật ký tàu qua và đóng chắn tàu mỗi khi tàu đến tưởng như rất đơn giản nhưng thực sự lại không hề dễ dàng.
Kéo lại thanh chắn cho dòng người tiếp tục lưu thông, anh Nguyễn Kim Hoà (nhân viên gác chắn thuộc Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh) cho biết, với thâm niên gần 10 năm trong nghề, anh có rất nhiều câu chuyện, nỗi trăn trở về nghề để rồi mỗi khi nhớ lại anh cũng thấy phục chính bản thân vì đã có thể theo nghề lâu như vậy.
“Mỗi nhân viên gác chắn phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng. Công việc của chúng tôi nhìn bề ngoài tưởng chừng rất đơn giản với những công việc như nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và kéo rào chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không vướng chướng ngại nào. Cũng không ít lần bị người dân say xỉn đánh, bị mạt sát, thậm chí bị tai nạn do chính những người tham gia giao thông vô ý thức gây ra khi đi qua chắn, nhưng đã là nghề nên cứ theo đuổi vậy!”- anh Hoà cười nói.
Dù trước hay sau Tết, nhân viên gác chắn vẫn phải thực hiện nhiệm vụ không kể thời điểm nào.
Tại gác chắn Km 315+717, mỗi ngày có khoảng 20 chuyến tàu ngược xuôi. Vào thời điểm cận tết hay ra tết là thời gian bận rộn nhất của nghề gác chắn khi số lượng tàu vào Nam ra Bắc tăng lên đáng kể, từ 25-30 chuyến. Trong đó, nhiều chuyến tàu thời gian chạy không cố định, có những chuyến chạy vào ban đêm, do đó nhân viên gác chắn phải tập trung cao độ.
Dù không có tàu, nhân viên trạm gác phải luôn túc trực để đảm bảo an toàn. Yêu cầu của công việc là không được xem tivi hay điện thoại, vào ca đêm các nhân viên phải thức trắng, buồn ngủ quá thì uống nước chè đặc, cùng nhau trò chuyện để giữ mình luôn được tỉnh táo, để không xảy ra bất kỳ sơ suất nào.
Dù trước hay sau tết, nhân viên gác chắn vẫn phải thực hiện nhiệm vụ không kể thời điểm nào. Đến phiên trực của mình cho dù đêm 30 hay ngày mồng 1 tết, những người công nhân gác chắn vẫn phải đảm bảo an toàn lưu thông cho tuyến đường sắt.
Nghề gác chắn tàu phải đi sớm về hôm, đối với nam đã vất vả, nữ lại càng khó khăn bội phần.
12 năm gắn bó với nghề đường sắt, chị Đặng Thị Phượng - nhân viên gác chắn tàu Km 340+610 thuộc địa phận xã Đức Yên (Đức Thọ) dù đã quá quen với công việc thường ngày nhưng cứ đến lễ tết lại không khỏi chạnh lòng. Lấy chồng bộ đội xa nhà, chị phải gửi hai con nhỏ nhờ ông bà nội trông nom. Tết đến, muốn sắm sửa, đỡ đần bố mẹ và chăm sóc con cái nhưng với chị cũng chẳng có thời gian. Nhìn người ta đi sắm sửa cho tết còn mình thì ở trong buồng gác này, đôi lúc người phụ nữ ấy cũng có chút trầm tư và tủi thân.
Dù đêm 30 hay ngày mồng 1 tết, những người công nhân gác chắn vẫn phải đảm bảo an toàn lưu thông cho tuyến đường sắt.
Chị Phượng chia sẻ: “Cũng may có chồng và bố mẹ thương yêu, thấu hiểu nên mọi việc cũng đỡ đần được phần nào. Tết đến còn được sự quan tâm của công ty, rồi người dân đi qua vẫy tay chào vừa gửi lời chúc mừng, có người còn mang cả bánh kẹo đến trò chuyện cùng nên chúng tôi cũng thấy phấn chấn, mạnh mẽ để thực hiện nhiệm vụ”.
Gác dở câu chuyện vì tiếng chuông điện thoại xin đường, các nhân viên gác tàu lại vội vã cầm còi, phất cờ để chờ những chuyến tàu tiếp theo. Tiếng lăn bánh của những chuyến tàu xuân đi qua trạm gác chở theo bao niềm thương nhớ nơi quê nhà. Bất chợt một cái chớp đèn thật sáng, một hồi còi hú thật dài từ bác lái tàu thay cho lời chúc mừng năm mới trên đường ray đã trở thành một niềm vui, tiếp thêm động lực để những người gác chắn thêm yêu quý và tự hào về công việc của mình, nhất là vào mỗi ca trực Tết…