“Chìa khóa” thành công cho du lịch Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sự phục hồi, phát triển của du lịch cả nước nói chung, du lịch Hà Tĩnh nói riêng trong 2 năm qua cho thấy sự nỗ lực của ngành chủ quản, các địa phương và doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm, quảng bá, đặc biệt là liên kết du lịch.

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Đẩy mạnh liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tăng cường thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, cụ thể là ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá góp phần giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người Hà Tĩnh, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư.

“Chìa khóa” thành công cho du lịch Hà Tĩnh

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL.

Đẩy mạnh và đổi mới phương thức các hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tổ chức và phối hợp tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến du lịch tại Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các địa phương trọng điểm trong nước để giới thiệu sản phẩm, hình ảnh về du lịch và các chính sách khuyến khích phát triển du lịch của tỉnh.

Tổ chức mời và đón đoàn Famtrip đến khảo sát, tư vấn xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá về du lịch Hà Tĩnh. Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho du khách trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách.

Thực hiện số hóa các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo... Xây dựng các ấn phẩm, video clip giới thiệu du lịch Hà Tĩnh và tăng cường tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh Youtube, TikTok, Facebook và các nền tảng số của Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL, agoda, booking…

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc: Tăng sức hút của du lịch bằng kết nối tour, tuyến.

Với hệ thống các địa chỉ văn hóa tâm linh, địa chỉ đỏ cùng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc; Làng K130; làng Trường Lưu với những di sản văn hóa đã được thế giới công nhận… Can Lộc là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

“Chìa khóa” thành công cho du lịch Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc

Xác định ngành “công nghiệp không khói” sẽ tạo nên sự bứt phá trong phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện đã chú trọng công tác thu hút đầu tư các công trình để nâng tầm các giá trị văn hóa, trở thành những “đặc sản” riêng của địa phương.

Cùng với sự cải thiện về hạ tầng du lịch, việc đổi mới trong công tác quản lý, chất lượng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết du lịch… đã trở thành giải pháp quan trọng để tạo nên sức hút của mảnh đất này.

Đặc biệt, từ sự vào cuộc của các công ty lữ hành, Can Lộc cũng đẩy mạnh việc kết nối các tour, tuyến du lịch trọng điểm. Theo đó, các điểm kết nối chùa Hương Tích - Làng văn hóa Trường Lưu - Ngã ba Đồng Lộc - Khu sinh thái Cửa Thờ - Trại Tiểu - trang trại vườn đồi vùng Trà Sơn… đã tạo sức hút để du khách tìm đến với Can Lộc ngày càng nhiều.

Cùng với phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phương châm mỗi khu dân cư mang nét đẹp riêng để thu hút du khách khi tham gia các tour, tuyến kết nối du lịch, xây dựng các sản phẩm hàng hóa cũng đang được các địa phương bắt tay thực hiện. Đây cũng sẽ là những điểm nhấn phục vụ du khách tham quan.

Du lịch Can Lộc đang có sự chuyển động rõ nét bằng những thay đổi đáng mừng. Từ công tác quảng bá, xúc tiến và kết nối tour, tuyến giữa các vùng miền, lượng du khách về Can Lộc từ năm 2022 đến nay tăng khoảng 40-50% so với trước.

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân: Kết nối chặt chẽ, mở rộng không gian du lịch

Nghi Xuân là huyện đồng bằng ven biển, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, nhiều di tích danh thắng nổi tiếng và nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể văn hóa có giá trị.

Những năm gần đây, Nghi Xuân tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để giới thiệu những điểm đến hấp dẫn, những nét đặc sắc của địa phương. Huyện đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị kết nối, bàn giải pháp phát triển du lịch. Qua đó, liên kết, kết nối với hơn 50 công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour, tuyến để thu hút du khách.

“Chìa khóa” thành công cho du lịch Hà Tĩnh

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân.

Hoạt động hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương, vùng, miền là chìa khóa cho sự thành công trong du lịch. Các hoạt động trên đã giúp trao đổi lượng khách đến các địa phương ngày một lớn hơn. Từ đầu năm đến nay, tổng lượt khách du lịch trên địa bàn huyện đạt hơn 387.674 lượt, tăng 130% so cùng kỳ .

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung kết nối chặt chẽ hơn với các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là tỉnh Nghệ An. Đây được xem là địa phương có nhiều tiềm năng để khai thác nguồn khách du lịch rất lớn đến với Nghi Xuân, đồng thời mở rộng không gian du lịch tới các địa phương khác trong khu vực và cả nước

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng... tại Khu du lịch biển Xuân Thành, du lịch văn hóa tâm linh; giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương… nhằm ‘níu chân” du khách đến với vùng đất Nghi Xuân.

Ông Trần Xuân Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Hoàng Vũ vila: Người làm du lịch phải không ngừng sáng tạo, kết nối.

Quê nội tôi ở Quảng Bình nhưng tôi lại lớn lên ở quê ngoại xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) - ngay cạnh Khu du lịch Thiên Cầm. Từng kinh doanh du lịch, có hệ thống vila nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu nhưng tôi đã giao lại cho người khác quản lý, về đầu tư quán cà phê Bụi ở TP Hà Tĩnh và khu vui chơi Beach Thiên Cầm club.

“Chìa khóa” thành công cho du lịch Hà Tĩnh

Ông Trần Xuân Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Hoàng Vũ vila.

Điều đặc biệt, các mô hình của tôi đều gắn với điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Hằng đêm, tôi mời các ca sĩ về hát tại bãi biển Thiên Cầm và quán cà phê Bụi, mang lại những giây phút đáng nhớ và những khung hình đẹp cho du khách. Họ là những người chưa từng về Hà Tĩnh, tò mò muốn biết thêm về một vùng đất.

Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ thay đổi cách suy nghĩ của người dân Hà Tĩnh về du lịch. Làm du lịch không thể ăn ngay được. Tuy bước đầu các sản phẩm du lịch của tôi chưa có lợi nhuận nhưng tôi tin sẽ có kết quả tốt trong thời gian tới.

Theo tôi, người làm du lịch phải đi nhiều, tìm hiểu nhiều. Các giám đốc công ty du lịch nên nằm trong hiệp hội du lịch để học hỏi, chia sẻ thông tin. Tôi hiện là thành viên của các tập đoàn du lịch, resort nghỉ dưỡng cả nước. Từ những điều học hỏi được, mỗi người phải sáng tạo mới có khả năng thành công.

Ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen: Chủ động kết nối thông tin, quảng bá sản phẩm du lịch.

Thời gian gần đây, du lịch Hà Tĩnh cũng như cả nước đã có bước phục hồi. Trong tình hình chung đó, công ty cũng có nhiều khởi sắc. Chúng tôi đã thay đổi tư duy, tư vấn kỹ cho khách hàng, đặc biệt là chủ động liên kết với các công ty lữ hành tiêu biểu trong cả nước.

“Chìa khóa” thành công cho du lịch Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen.

Tôi hiện là thành viên của rất nhiều hội, nhóm trên các trang mạng xã hội, trong đó có Câu lạc bộ các giám đốc công ty lữ hành toàn quốc, tham gia giới thiệu cho các nhóm Zalo: Chợ UNESCO, Travel club… Chúng tôi cũng giới thiệu và bán sản phẩm du lịch Hà Tĩnh, tham gia đoàn Famtrip Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh và nhiều đoàn khảo sát du lịch Bắc, Trung, Nam. Từ đầu năm đến nay, thông qua hoạt động liên kết giới thiệu, quảng bá du lịch, công ty đã đón gần 20 đoàn về với Hà Tĩnh.

Theo tôi, ngành chức năng và các hiệp hội du lịch, công ty lữ hành cần có kế hoạch cụ thể trong liên kết trao đổi thông tin, tuyên truyền quảng bá tốt các sản phẩm du lịch của tỉnh. Phải giới thiệu để các đoàn du lịch cá nhân, các công ty lữ hành cả nước biết thông tin về nơi đến, có thể không đặt tour qua công ty nhưng giúp tỉnh đón thêm nhiều du khách. Cùng với đó, cần định vị sản phẩm du lịch của địa phương, thay vì làm dàn trải, nên tập trung xây dựng sản phẩm du lịch thật độc đáo để thu hút du khách.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.
Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Đón nhận “luồng gió mới” từ những chủ trương chính sách của các cấp, ngành trong phát triển du lịch, gần đây, nhiều cá nhân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm hấp dẫn, góp phần thu hút du khách.
Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

“Tôi có thể hiểu được tiếng các loài chim và đã hỗ trợ xây dựng được hơn 20 mô hình bảo tồn chim trời với hàng chục loài, tạo nên những mô hình du lịch sinh thái nổi tiếng thu hút du khách. Tôi mong muốn giúp Hà Tĩnh xây dựng mô hình này”, ông Lê Danh Cương chia sẻ.