Ảnh minh họa từ internet
Những bình luận ác ý, những lời phê phán gay gắt sau khi clip học sinh hôn nhau được tung lên mạng xã hội đã gián tiếp đẩy em H.T.L. (học sinh lớp 11C12, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tìm lối giải thoát một cách tiêu cực. Clip đã được chủ tài khoản gỡ xuống sau đó, nhưng sự việc đã đi quá xa. Vụ việc thêm một lần dấy lên hồi chuông báo động về việc sử dụng mạng xã hội.
Điều đáng lo ngại, đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến những phát tán thông tin trên mạng xã hội mà L. chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân. Nhiều người tự tử, người thì trở nên trầm cảm, nhiều người bị phá sản, hủy hoại thanh danh… chỉ vì những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt và được “cư dân mạng” tiếp nhận vội vã, không lựa chọn. Để rồi từ những thông tin không được kiểm chứng, nhiều người phán xét, tỏ thái độ theo tâm lý đám đông mà không lường được hậu quả của nó.
Như trường hợp em L., theo lời thầy cô và bạn bè, hôm đó là 8/3, các bạn đã tổ chức ngày lễ trong lớp. Với tính cách học trò nghịch ngợm, các bạn đã thách đố hôn nhau. Một bạn nam đã hôn L. và được một bạn ghi lại hình ảnh bằng smatphone. Sự việc chỉ đơn giản như thế nhưng sau khi phát tán lên mạng đã được lan truyền chóng mặt với những lời lẽ comment độc ác, cay nghiệt. L. là học sinh giỏi nhất nhì trong lớp về học lực, nhưng em chưa đủ vững vàng trước “sự cố” nhỏ này.
Trên mạng xã hội, nhiều khi không có chỗ cho sự phản biện qua lại một cách công bằng, thẳng thắn. Thực tế, rất nhiều vụ việc có xu hướng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính những người đưa thông tin ban đầu. Hoặc ngược lại, cũng có những người nắm bắt được xu hướng, đặc điểm đó của mạng xã hội nên cố tình tung ra những thông tin mà thật - giả chưa rõ thế nào, rồi lồng vào đó những ý đồ rất rõ ràng. Vì vậy, khi các cơ quan chức năng chưa quản lý được mạng xã hội, người sử dụng phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác với những tác động tiêu cực của nó.
Trước khi bấm like, chia sẻ vấn đề gì đó, cần xem người đăng có thật sự thân thiết, có thật sự cần thiết để chúng ta tham gia tương tác hay không? Chúng ta cần có một quy tắc ứng xử chuẩn mực trên môi trường mạng xã hội về tiếp nhận và xử lý thông tin, vì chính chúng ta phải tự chịu trách nhiệm và nhận thiệt hại về hành vi của mình, nhẹ thì bị “ném đá”, nặng thì vướng vào vòng lao lý…
Mạng xã hội đang là một phần cuộc sống không thể thiếu của giới trẻ. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cũng phải đặc biệt quan tâm đến con em mình. Nên nói chuyện thường xuyên và trang bị cho con những kiến thức đúng đắn để có thái độ ứng xử với các mặt tiêu cực trên mạng xã hội với thông điệp: Chúng ta điều khiển mạng xã hội chứ đừng để mạng xã hội điều khiển chúng ta.