Chiến dịch Hồ Chí Minh bản hùng ca bất diệt

Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26 - 30/4/1975), chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 3/1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”. Bộ Chính trị xác định: “Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”.

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án tác chiến được thông qua lần cuối.

Để chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tập trung một lượng lớn lực lượng chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch, gồm: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc), Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232. Tổng số lực lượng là 15 sư đoàn, một lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; một trung đoàn tên lửa, 2 sư đoàn ô tô vận tải, một bộ phận hải quân và không quân, cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch.

Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm các đồng chí: Tư lệnh Văn Tiến Dũng; Chính ủy Phạm Hùng; các Phó Tư lệnh: Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh; Phó Chính ủy Lê Quang Hòa; quyền Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền.

Chấp hành chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định: “Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”.

Bộ Tư lệnh xác định hướng tiến công là hướng Bắc và Tây bắc, trong đó, hướng Tây bắc là chủ yếu. Đông và Tây nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng. 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu Ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát, Dinh Độc Lập.

Ngày 25/4, mọi công tác chuẩn bị của ta cơ bản hoàn thành, các lực lượng tham gia chiến dịch đã vào đến vị trí triển khai và sẵn sàng chờ lệnh.

Trước đó, ngày 21/4, theo chủ trương của Mỹ, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay và kêu gọi “ngừng bắn để thương lượng”.

Ngày 26/4, Trần Văn Hương từ chức để nhường chỗ cho con bài chót của Mỹ là Dương Văn Minh. Song, âm mưu của Mỹ chỉ là ảo tưởng. Giờ chết của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam đã điểm.

17h ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã sử dụng đòn tấn công quân sự rất mạnh, áp đảo quân địch, đi trước một bước để thúc đẩy, hỗ trợ, tạo đà cho đòn nổi dậy của quần chúng; tạo uy lực lớn và thanh thế vang dội cho đòn tiến công quân sự của các cánh quân chủ lực; phá vỡ hệ thống ngụy quyền cơ sở, đập tan ý chí kháng cự của địch.

Từ ngày 26 - 28/4, ta tiến công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, thực hiện bao vây, cô lập triệt để Sài Gòn, tạo thế có lợi để thực hành tiến công trên toàn mặt trận.

Ngày 29/4, lực lượng của ta đã chặn đánh và tiêu diệt các sư đoàn 22, 25, 5, 18, thủy quân lục chiến, các lữ 1 dù, lữ 3 kỵ binh ở tuyến ngoài của địch. Trong khi đó, các lực lượng đặc công, biệt động, bộ đội địa phương đã phá hủy các trận địa pháo, đánh chiếm đồn bốt, chiếm giữ các cầu vùng ven.

Ngày 30/4/1975, các binh đoàn của ta thọc sâu hùng mạnh, tiến chiếm ngay các mục tiêu chiến lược, bắt toàn bộ nội các bù nhìn của địch, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc quân khu 3 địch, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của quân đoàn 1, quân đoàn 2; đập tan hệ thống ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn/Gia Định và các tỉnh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu…; tạo điều kiện cho Quân khu 8 và 9 cùng với nhân dân địa phương tiến công nổi dậy tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn quân khu 4 địch và giải phóng đồng bằng sông Cửu Long trong 2 ngày 30/4 và 1/5/1975.

Chiến dịch Hồ Chí Minh tuy chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Những kinh nghiệm của chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài gần 1/3 thế kỷ đang lùi vào quá khứ, nhưng những giá trị truyền thống và bài học lịch sử của nó vẫn còn mãi mãi với các thế hệ người Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói