Chiều cao nam giới Việt Nam tăng 5,8 cm sau 20 năm

Hiện chiều cao trung bình của người Việt Nam xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng đáng kể sau 20 năm (2000-2020).

Cụ thể, nữ giới tăng từ 152,3 cm lên 155,6 cm. Nam giới tăng từ 162,3 cm lên 168,1 cm. Hiện chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Theo ông Khoa, dù cố gắng cải thiện, tỷ lệ tăng chiều cao của người Việt trong 20 năm vẫn chưa đạt như mong muốn. Điều này cần một quá trình lâu dài, cải thiện chiều cao cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, bổ sung vi chất, chăm sóc hệ gene…

Hiện nay, nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc vẫn chưa được khắc phục.

Cụ thể, tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị. Khoảng cách về tử vong trẻ em dưới một tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).

Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng kết quả này có được là nhờ sự phát triển của xã hội. Ngoài ra, người dân cũng đã có ý thức và kiến thức tốt hơn trong việc ăn phối hợp các chất dinh dưỡng.

Về mặt lý thuyết, sự phát triển của chiều cao mang khuynh hướng thế tục. Điều này nghĩa là khi xã hội và kinh tế phát triển, thế hệ sau sẽ cao hơn thế hệ trước, chưa cần xét đến những yếu tố khác.

Bên cạnh yếu tố xã hội, dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao của con người. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ đóng góp khoảng 30% vào chiều cao của mỗi người.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói