Hiện trường vụ sập cầu cạn ở Genoa, Italy ngày 15/8. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công ty Autostrade per l"Italia là một đơn vị thuộc tập đoàn Atlantia quản lý các đường cao tốc thu phí ở Italy. Vài giờ trước khi Bộ Giao thông vận tải Italy mở cuộc điều tra, chính phủ nước này đã cảnh báo Autostrade per l"Italia có thể đối mặt với mức phạt nặng lên tới 150 triệu euro (tương đương 170 triệu USD) hoặc có thể bị thu hồi giấy phép vận hành đường cao tốc.
Bộ Giao thông vận tải Italy đặt thời hạn Autostrade per l"Italia trong vòng 15 ngày phải chứng minh công ty này đáp ứng đủ các điều khoản trong hợp đồng, đồng thời muốn công ty này phải xây lại cầu bằng chính kinh phí của công ty.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Italy Edoardo cho biết Autostrade per l"Italia có thể bị thu hồi giấy phép vận hành đường cao tốc nếu công ty này không đảm bảo được an toàn. Theo ông, mức phạt 170 triệu USD là quá thấp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini yêu cầu công ty Autostrade per l"Italia phải chi 570 triệu USD để giúp đỡ các gia đình nạn nhân và chính quyền địa phương khắc phục sự cố.
Autostrade per l"Italia khẳng định đã thường xuyên kiểm tra an toàn của cầu Morandi và cũng đã cử các chuyên gia hàng đầu thế giới khi tiến hành các cuộc thử nghiệm và kiểm tra. Dự kiến, ban điều hành Autostrade per l"Italia sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường vào tuần tới về cuộc khủng hoảng.
Do các nhà đầu tư lo ngại những biện pháp mà chính phủ có thể áp dụng, giá cổ phiếu của Atlantia-tập đoàn mẹ của Autostrade per l"Italia-đã giảm tới 25% giá trị. Không chỉ tập đoàn Atlantia bị ảnh hưởng, cổ phiếu của các công ty vận hành đường khác trong đó có SIAS và ASTM cũng "lao dốc" sau khi Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio tuyên bố nhà nước có thể đảm nhiệm quản lý các đường cao tốc nếu các công ty được giao quyền không thực hiện đúng chức trách.
Cầu Morandi dài 1,2 km nằm trên tuyến đường cao tốc A10 nối thành phố cảng Genoa với miền Nam nước Pháp. Cầu hoàn thành xây dựng vào năm 1967. Trưa 14/8 vừa qua, một đoạn cầu dài khoảng 200 mét rơi từ độ cao khoảng 100 mét đè xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác phía dưới.
Vụ việc đã khiến 39 người thiệt mạng. Số người bị thương đang được điều trị trong bệnh viện là 16 người, trong đó có 12 người trong tình trạng nguy kịch. Trưởng Công tố thành phố Genoa cho biết hiện có khoảng 10-20 người vẫn mất tích trong vụ sập cầu. Tang lễ cho các nạn nhân sẽ được cử hành tại Genoa trong ngày 18/8.
Chính phủ Italy cho rằng tai nạn thảm khốc này là lời cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng nước này cần thêm ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng đã quá cũ. Sau vụ việc, Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” kéo dài 12 tháng ở Genoa, đồng thời kêu gọi EU cho phép Rome bổ sung ngân sách năm tới để đảm bảo độ an toàn cho cơ sở hạ tầng nước này.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi phí đầu tư và bảo dưỡng cho cơ sở hạ tầng giao thông của Italy đã giảm 5,8% trong giai đoạn từ năm 2008-2015.
Theo phân tích của Ngân hàng trung ương Italy, các khoản đầu tư này đáng lẽ ra có thể tăng thêm. Từ năm 2007-2015, Rome đã tăng 7% các khoản lương công chức và phúc lợi, trong khi đó lại giảm tới 35% ngân sách cho đầu tư công.
Giáo sư công nghệ Antonio Brencich thuộc Đại học Genoa nêu rõ cầu Morandi đã có vấn đề vào thời điểm khoảng 20 năm sau khi được xây dựng. Một người dân cũng xác nhận, trong những năm 80 của thế kỷ trước, các mảng xi măng từ trên cầu Morandi đã rơi xuống và làm hỏng nhiều xe ô tô đỗ bên dưới./.