Hưng Yên - Hà Tĩnh: Hợp tác phát triển, lan tỏa giá trị của Đại Danh y Lê Hữu Trác

(Baohatinh.vn) - Hưng Yên và Hà Tĩnh vinh dự, tự hào là quê nội và quê ngoại của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Sự kiện vinh danh đại danh y có thể coi là một điểm nhấn cho năm 2024 để hai tỉnh định hướng phát triển nền y học cổ truyền nhằm kế thừa, phát huy di sản Hải Thượng Lãn Ông để lại.

Hưng Yên - Hà Tĩnh: Hợp tác phát triển, lan tỏa giá trị của Đại Danh y Lê Hữu Trác

Ngày 17/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Cùng thành lập từ năm 1831, Hưng Yên và Hà Tĩnh có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, có nhiều tiềm năng, lợi thế và đang trên đường đổi mới nhanh và toàn diện. Sau các cuộc gặp gỡ, trao đổi, ngày 17/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đây là dấu mốc quan trọng trong củng cố và phát triển hợp tác hữu nghị đặc biệt, phát huy truyền thống cách mạng, tình cảm giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên với tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, với mong muốn phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, thời gian tới hai tỉnh sẽ triển khai hợp tác, chia sẻ toàn diện các lĩnh vực trên tinh thần cởi mở, cùng nhau phát triển. Từ đó thúc đẩy nâng tầm quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai tỉnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho mỗi tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Trên cơ sở nội dung biên bản ghi nhớ giữa hai tỉnh, căn cứ từng thời điểm phù hợp, đánh giá những điểm mạnh của mỗi tỉnh, chủ động kết nối, chia sẻ, hợp tác để có những thành công tốt đẹp. Trong đó, tập trung trao đổi kinh nghiệm các giải pháp cụ thể hóa, triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ...

Hưng Yên - Hà Tĩnh: Hợp tác phát triển, lan tỏa giá trị của Đại Danh y Lê Hữu Trác

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tại Khu lưu niệm Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Yên Mỹ).

Về KT-XH, Hưng Yên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng NTM. Hưng Yên là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng NTM. Đến nay, tỉnh đã có 67 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 22 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Kết quả này ngoài nguồn lực nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hưng Yên đã nhận được sự đồng lòng và tham gia mạnh mẽ, tích cực từ người dân với vai trò chủ thể “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.

Từ đó tích cực hiến đất, phá dỡ công trình trên đất để làm đường giao thông, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công làm đường ra đồng, đường làng ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn, bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, vun đắp tình làng nghĩa xóm và phát triển kinh tế gia đình...

Song song với mục tiêu phát triển công nghiệp, Hưng Yên luôn quan tâm xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những kinh nghiệm này cũng có thể áp dụng, vận dụng linh hoạt trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai của tỉnh Hà Tĩnh.

Hưng Yên cũng sẽ chủ động trong việc hợp tác xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng giữa hai địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp của hai tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu các sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để kết nối tiêu thụ. Phối hợp tổ chức hội chợ thương mại ở mỗi tỉnh với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất của hai địa phương để quảng bá, xúc tiến thương mại.

Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống. Hỗ trợ tiêu thụ nông sản và nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến... Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, Hưng Yên có nhiều chính sách ưu việt hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế bảo đảm an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9% năm 2023. Đây cũng là điều Hưng Yên muốn chia sẻ cùng với Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Hưng Yên - Hà Tĩnh: Hợp tác phát triển, lan tỏa giá trị của Đại Danh y Lê Hữu Trác

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (ảnh: Báo Hưng Yên).

Đặc biệt, Hưng Yên và Hà Tĩnh vinh dự, tự hào là quê nội và quê ngoại của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ngày 21/11/2023, Phiên họp toàn thể lần thứ 42 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Việc UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông là một sự ghi nhận to lớn đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của đại danh y cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.

Hướng tới sự kiện quan trọng này, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch các hoạt động kỷ niệm trong năm 2024. Thời gian tới 2 tỉnh sẽ phối hợp đề xuất Trung ương quan tâm chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để xứng tầm với công lao, đóng góp của đại danh y.

Sự kiện vinh danh đại danh y có thể coi là một điểm nhấn cho năm 2024 để hai tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh nhìn nhận, đánh giá và định hướng phát triển nền y học cổ truyền nhằm kế thừa, phát huy di sản Hải Thượng Lãn Ông để lại.

Bên cạnh đó, Hưng Yên có nhiều sản vật, vừa là món ăn bổ dưỡng, vừa là những vị thuốc đông y quý. Cả nước biết đến Hưng Yên nổi tiếng với sen, nhãn lồng. Từ các sản vật sen, nhãn cho ra các vị thuốc đông y như hạt sen, lá sen, tâm sen, long nhãn và món ẩm thực nức tiếng chè sen long nhãn. Hưng Yên có vùng trồng nghệ vàng, nghệ đen rộng lớn. Nghệ nay đã được chế biến thành tinh bột, tinh chất sử dụng trong chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Đặc biệt, làng Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang (Văn Lâm) đã có truyền thống trồng, chế biến dược liệu từ 500 năm nay...

Hưng Yên - Hà Tĩnh: Hợp tác phát triển, lan tỏa giá trị của Đại Danh y Lê Hữu Trác

Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử về đại danh y.

Phát huy là quê nội của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, hệ thống khám, chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền được quan tâm xây dựng ở cả tuyến tỉnh và cơ sở, góp phần cùng ngành y tế thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Hưng Yên có 138/155 trạm y tế xã có vườn thuốc mẫu. Nhiều hộ gia đình trồng thuốc nam để chữa bệnh thông thường. Tỉnh ưu đãi đầu tư phát triển nuôi trồng dược liệu quy mô tập trung, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn dược liệu đa dạng ở các vùng sinh thái trong tỉnh.

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách đối với việc nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1976/2013/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên nằm trong 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng phát triển trồng 20 loại dược liệu. Toàn tỉnh hiện đang trồng khoảng 1,5 nghìn ha cây dược liệu, mỗi năm thu hoạch khoảng 4,5 nghìn tấn dược liệu thô.

Các cơ sở y tế sưu tầm, ứng dụng có hiệu quả nhiều bài thuốc của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong điều trị. Khuyến khích các thầy thuốc cống hiến và phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền có hiệu quả. Hiện đã có 26 bài thuốc gia truyền có giá trị của các lương y cống hiến được bàn giao cho Bệnh viện Y dược học cổ truyền tỉnh phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng trong chữa bệnh cho Nhân dân...

Trong cuộc đời làm nghề, đại danh y phát triển sự nghiệp tại Hà Tĩnh. Đây cũng là một lợi thế rất lớn để Hà Tĩnh kế thừa, phát triển các loại dược liệu, các bài thuốc của ông trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và trao đổi kinh nghiệm giữa hai tỉnh về lĩnh vực này, đưa hai tỉnh trở thành điểm sáng về y học cổ truyền và lan tỏa giá trị của Hải Thượng Lãn Ông.

Hưng Yên và Hà Tĩnh có nền văn hiến lâu đời. Hà Tĩnh mượt mà với nhiều điệu dân ca, ví, giặm được lưu truyền từ ngàn đời. Hưng Yên nổi tiếng với các loại hình di sản phi vật thể: hát trống quân, ca trù, làn điệu chèo thiết tha trong dân gian. Cùng với các sản phẩm du lịch, đây là yếu tố thuận lợi để hai tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này. Tổ chức hội chợ du lịch tại tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Tĩnh để quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, gắn kết văn hóa vùng miền. Đồng thời hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, kết nối các tour du lịch giữa hai địa phương...

Hà Tĩnh luôn nằm trong tốp những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số thí sinh đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nhiều năm có học sinh đạt HCV Olympic quốc tế. Hưng Yên mong muốn được học hỏi kinh nghiệm, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chính sách thu hút, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Hà Tĩnh.

Hưng Yên mong muốn với những giá trị được xác lập trên quan điểm trân trọng, hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển, hai tỉnh thật sự có những hoạt động thực tiễn, hiệu quả, ý nghĩa để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024, mở ra chặng đường hợp tác tốt đẹp, dài lâu giữa hai tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên

Chủ đề 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Đọc thêm