40 năm nối liền đôi bờ…

(Baohatinh.vn) - Thời gian vụt trôi. Mới đó mà đã chẵn 40 năm dân tộc ta xóa nỗi đau chia cắt 2 miền. Và cũng đã 54 năm kể từ ngày cánh thanh niên Hà Tĩnh chúng tôi được vinh dự chọn vào Vĩnh Linh trấn giữ giới tuyến để quân dân miền Bắc rảnh tay tập trung xây dựng CNXH. Vào dịp kỷ niệm tròn 4 thập kỷ ngày “đất nước trọn niềm vui”, biết bao kỷ niệm bên bờ sông Tuyến lại ùa về…

Bến Hải - con sông lịch sử

Con sông có nhiều duyên nợ với cả hai phía ta và địch này vốn có tên là sông Minh Lương, dài hơn 70 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông, đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng. Những năm 40, 50 của thế kỷ XX, con sông này có tên là Bến Hải do người Pháp đọc chệch từ địa danh Bến Hai (bến thứ 2 ở thượng nguồn sông) ghi trên bản đồ. Ngoài Bến Hải, sông còn có các tên gọi khác như Hiền Lương, sông Hồi và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nó còn mang tên sông Tuyến theo cách gọi của nhà văn Nguyễn Tuân trong tập ký sự cùng tên nổi tiếng của ông.

Sông Bến Hải chảy xuôi khoảng 60 km thì gặp sông Sa Lung từ hướng Tây Bắc chảy vào thành ngã ba sông mà ngày nay đứng ở cầu Hiền Lương nhìn về phía Tây thấy rất rõ. Cả 2 con sông này hợp lưu chảy qua làng Minh Lương (nằm ở bờ Bắc) nên còn gọi là sông Minh Lương. Dưới thời vua Minh Mạng, do húy chữ “Minh” nên cả tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương.

40 năm nối liền đôi bờ… ảnh 1

Cầu Hiền Lương hôm nay (Ảnh internet)

Khi chúng tôi vào làm nhiệm vụ ở khu vực giới tuyến đặc biệt này, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết 8 năm (20/7/1954). Theo hiệp định, đất nước ta chia thành 2 miền: Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Sông Bến Hải được coi là đường biên chia cắt trong thời gian 2 năm chờ cuộc tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam.

Nhưng sự thật lịch sử không diễn ra đúng như vậy. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ nhảy vào thay chân Pháp ngay sau hòa bình lập lại năm 1954, củng cố ngụy quân, ngụy quyền miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo suốt 21 năm. Từ chỗ là giới tuyến quân sự tạm thời, sông Bến Hải đã trở thành nỗi đau chia cắt của cả dân tộc suốt 2 thập kỷ. Câu hò đầy ai oán, xa xót vẫn văng vẳng qua bao đêm trên 2 bờ Hiền Lương trong suốt những năm đó:

Cách một dòng sông mà đó thương, đây nhớ

Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa…

Song, sự tàn bạo của Mỹ - ngụy không thể ngăn cản, vùi dập được ước vọng thống nhất, nỗi nhớ nhung của nhân dân đôi bờ sông Tuyến. Gần như thành lệ, vào những kỳ lễ, tết, ngày đầu tháng, nhân dân 2 bến lại đổ ra bến sông để tìm kiếm người thân. Người đông như hội, hồi đó lại chưa có điện thoại di động như bây giờ nên giữa đôi bờ cách trở thật khó để nhận ra nhau. Thế mà chỉ qua trang phục, hình dạng, ám hiệu bằng tay, nhiều người vẫn nhận ra người thân của mình.

Nhiều bà con vì không chịu nổi cảnh áp bức, đè nén quá khổ ải của trại tập trung Mỹ - ngụy và cũng vì quá nhớ mong nhau, đã liều mình trốn trại, bơi sang bờ Bắc.

Tôi nhớ mãi câu chuyện cảm động. Một đêm, tôi và mấy anh em cùng đơn vị đang ngồi canh gác phía bờ Bắc, ngay bến lội của Đồn Công an giới tuyến thì nghe tiếng nổ inh trời của đạn pháo từ phía Dốc Miếu bắn tới tấp xuống bờ phía Nam. Thì ra, lợi dụng lúc pháo sáng của ta bắn sang, bà con các xã ven sông như Trung Sơn, Xuân Mỹ, Bạch Lộc… hô nhau chạy ùa ra sông, lội bộ sang bờ Bắc. Tại bến đò Tùng Luật, bà con phía Bắc thấy vậy, bất chấp hiểm nguy, chèo thuyền vượt sông sang cứu người thân. Đặc biệt, trong số đó có em Trần Thắng 13 tuổi đã dũng cảm bơi qua, bơi lại dưới tầm đạn pháo địch nhiều lần để cứu người. Sau này, em đã được Bác Hồ tặng huy hiệu bởi vì hành động dũng cảm, gan dạ hiếm có. Và cũng chính đêm hôm đó, pháo địch đã dội trúng vào bà con ở xã Trung Sơn, làm chết và bị thương 120 người.

Một lần khác, khi một tổ chiến sỹ ta đang trực ở phía bờ Nam, gần bốt cảnh sát ngụy thì bất ngờ thấy một số binh lính ngụy ngồi trên xe quân sự chạy thẳng qua cầu Hiền Lương để cố vượt sang phía ta. Song, số anh em giác ngộ này đã phải trả giá cho cuộc vượt tuyến của mình. Chiếc ô tô bị cảnh sát ngụy bắn thủng lốp. Những người trên xe nhảy xuống chạy bộ đều bị chúng bắt lại, tống vào nhà tù. Cũng từ đó, chiếc barie chắn phía bờ Nam cầu của chúng được thay bằng sắt.

Nêu cao tiếng nói chính nghĩa

Những năm 1954-1964 là thời kỳ đôi bờ giới tuyến chưa có tiếng súng. Hòa bình được duy trì, song, cuộc đấu tranh chính trị thông qua hệ thống phát thanh, truyền thanh được cả hai bên rất coi trọng. Một cuộc chạy đua về âm thanh, nội dung, hình thức tuyên truyền diễn ra quyết liệt giữa ta và địch. Để giác ngộ binh lính địch, vạch mặt âm mưu, thủ đoạn thâm độc, bỉ ổi hòng chia cắt lâu dài đất nước, đàn áp nhân dân ta của Mỹ - Diệm, Chính phủ cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh, phân bố thành 5 cụm trong phạm vi 1.500m ở bờ Bắc; mỗi cụm gồm 24 loa công suất 25W. Về sau, để tiếng nói vang xa hơn, mạnh hơn, có thể “đọ” được các loa của phía bờ Nam, trung ương cấp thêm 8 loa công suất 50W, 1 loa công suất 250W.

40 năm nối liền đôi bờ… ảnh 2

Vĩnh Linh hôm nay (Ảnh: Báo Quảng Trị)

Kẻ địch vô cùng tức tối, bởi hệ thống loa phát thanh của ta đã át hẳn tiếng nói tâm lý chiến của chúng. Chúng bèn cầu cứu quan thầy và vào đầu năm 1960, Mỹ cho chuyển sang một dàn loa, công suất mỗi chiếc hàng trăm oát. Chúng huênh hoang tuyên bố: “Tiếng nói “chính nghĩa quốc gia” sẽ vang ra tận Quảng Bình (!)”.

Ngay sau đó, một chiếc loa được chuyển từ Hà Nội vào, công suất “khủng” đến 500W, đường kính vành loa rộng 1,7m (chiếc loa này hiện được trưng bày tại Nhà Liên hợp trong Khu Di tích Hiền Lương). Ngoài ra, Hà Nội còn bổ sung thêm 20 loa loại công suất 50W, 4 loa loại 250W. Các cụm loa được đặt nối nhau trên trụ bê tông cốt thép rất kiên cố, chôn dọc bờ sông. Riêng chiếc loa 500W được Ty Văn hóa Vĩnh Linh cho đặt trên xe lưu động chĩa sang bờ Nam, âm thanh phóng xa tít tắp.

Mỗi khi ta mở máy, một hệ thống phát thanh từ bờ Bắc đồng loạt vang lên như sấm. Ngày đẹp trời, thuận gió có thể truyền xa hơn chục cây số, vào tận các làng xã, đồn bốt địch ở phía Nam. Để cung cấp điện cho hệ thống phát thanh - truyền thanh có tổng công suất 7.000W này, ta phải cho dựng một đường dây điện cao thế 6 kVA dài gần 10 km, kéo từ thôn Tiên An (Vĩnh Sơn) đến Tùng Luật (Vĩnh Giang). Ngoài ra, còn có một trạm cao tần tăng âm cho một hệ thống loa được đặt tại Liêm Công Phường (cách cầu 2,5 km về phía Bắc).

Là đặc khu trực thuộc trung ương, Vĩnh Linh những năm này được Đảng, Nhà nước ưu ái về mọi mặt, cả thế và lực để nói lên tính ưu việt của miền Bắc XHCN, đủ sức đối chọi với kẻ thù.

Tôi còn nhớ, Vĩnh Linh hồi đó có một đội ngũ văn nghệ sỹ, báo chí, thông tin rất mạnh, ngang hàng với một tỉnh. Hàng loạt văn nghệ sỹ tên tuổi được tăng cường vào đây nhằm đẩy mạnh sự nghiệp đánh thắng địch trên mặt trận tuyên truyền. Đài Truyền thanh Vĩnh Linh lúc bấy giờ được nhân dân và cả binh lính ngụy ưa thích. Nội dung tin, bài rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt là chương trình văn nghệ từ thơ, ca, hò, vè, kịch nói, đọc truyện truyền thanh... hấp dẫn đến mức bọn cảnh sát bờ Nam đến giờ đài Vĩnh Linh phát sóng là lẳng lặng bấm nhau trốn ra nơi vắng để nghe.

Những ai đã từng sống ở đây những năm cuối 50 đầu 60 của thế kỷ XX, hẳn không quên được giọng ca ngọt ngào, truyền cảm trên Đài Vĩnh Linh của nghệ sỹ Châu Loan trong chương trình dân ca Trị - Thiên; hoặc các ca sỹ Tân Nhân, Thương Huyền… trong các nhạc phẩm Xa khơi, Câu hò trên bến Hiền Lương… nổi tiếng!

Hôm nay, đứng trên cầu Hiền Lương, tận hưởng làn gió mát lành từ dòng sông Bến Hải, chúng ta bồi hồi nhớ về một thuở đất nước bị cắt chia. Vết thương chiến tranh đã lên da non. Vùng đất năm xưa loang lổ vết bom cày, đạn xới, nay nhường chỗ cho ngút ngàn cao su, hồ tiêu. Ghé lại nơi đây, chiêm ngưỡng những công trình tạo dựng lại không gian xưa, bạn sẽ được thấy tận mắt những hiện vật quý giá liên quan tới cuộc chiến đấu anh dũng của quân, dân ta tại 2 bờ giới tuyến trong những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast