Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cuốn công nghệ truyền thông phát triển nhanh và mạnh mẽ. Thuật ngữ đa phương tiện, đa nền tảng được nhắc nhiều tại các hội thảo báo chí, nhiều tờ báo lớn trong và ngoài nước đã bắt nhịp, xây dựng chiến lược đa nền tảng như một xu hướng tất yếu.
Tháng 4/2018, Báo Hà Tĩnh chính thức đưa mô hình tòa soạn hội tụ vào hoạt động, bắt đầu chuyển mình theo xu thế sau những chuyến “tầm sư học đạo”. Câu chuyện chuyển đổi số, tác nghiệp đa phương tiện, tác phẩm đa phương tiện, đưa thông tin đến với độc giả thông qua nhiều nền tảng… thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc giao ban. Những cuộc tập huấn, trao đổi nghiệp vụ từ các chuyên gia thường xuyên được Ban Biên tập tổ chức, thực sự tạo nên bước đột phá mạnh mẽ từ tư duy đến cách làm của đội ngũ cán bộ, phóng viên đã quá quen với báo in truyền thống.
...
Trung tâm Xuất bản là cơ quan đầu não của Tòa soạn hội tụ Báo Hà Tĩnh.
Nâng cấp toàn diện báo điện tử, thay đổi giao diện theo hướng hiện đại, thông minh, tiện ích; tối ưu hóa hệ thống CMS; mở rộng băng thông, tăng tốc độ đường truyền chính là chiến lược được Ban Biên tập đề ra và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Từ năm 2018, Báo Hà Tĩnh nâng cấp giao diện theo hướng hiện đại, thông minh, tiện ích và khả năng hiển thị tùy biến, phù hợp cho từng thiết bị của người dùng.
Đội ngũ kỹ thuật báo điện tử lúc ấy chỉ là sự tập hợp của những cá nhân “trái tay” lao vào cuộc tìm tòi, khám phá từ internet đến việc tham vấn những chuyên gia về báo chí đa phương tiện như: nhà báo Lê Quốc Minh - nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamplus, nay là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; nhà báo Ngô Việt Anh - nguyên Tổng Biên tập Zing news, nay là Phó Trưởng ban Điện tử Báo Nhân Dân; Thạc sỹ Vũ Thế Cường - giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền… để “giải mã” từng khái niệm xa lạ như E-Magazine, Mega Story, Longform… Đồng thời, trang bị thêm kỹ năng dựng phim, làm đồ họa, nghiên cứu cách thức phát triển mạng xã hội Facebook, YouTube… nhằm đáp ứng yêu cầu về xây dựng sản phẩm báo chí đa phương tiện, đa nền tảng.
Trên giao diện Báo Hà Tĩnh điện tử, chuyên mục Multimedia - nơi tập hợp những dạng thức báo chí đa phương tiện được bố trí nổi bật, đẹp mắt.
Ngày 5/5/2018, “Lênh đênh phận chài”- sản phẩm được thiết kế dưới dạng E-Magazine đầu tiên của Báo Hà Tĩnh được xuất bản, đánh dấu sự ra đời của thể loại báo chí đa phương tiện sau này được xuất bản đều đặn hằng tuần đã nhận được sự đón nhận và đánh giá cao từ công chúng.
Ngày 26/8/2020, tác phẩm “Nuôi ong “du mục” dưới tán rừng keo ở Hà Tĩnh” - một sản phẩm được trình bày dưới dạng Story được xuất bản lần đầu tiên.
Ngày 2/11/2020, tác phẩm “Những người “đo gió, đếm mưa” bên dòng sông Ngàn Phố” được thiết kế dưới dạng Lens được xuất bản, góp phần làm đa dạng các sản phẩm đa phương tiện của Báo Hà Tĩnh với mục đích cuối cùng là mang đến cho công chúng sự trải nghiệm, những khám phá thú vị khi “thưởng thức” một sản phẩm báo chí.
Những sản phẩm đa phương tiện góp phần vào sự thành công của báo chí chất lượng cao.
Trên nền tảng xã hội, năm 2019, Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử được Facebook chứng nhận dấu tích xanh, nay đã đạt gần 420 nghìn lượt theo dõi. Cùng đó, các nền tảng YouTube, Zalo, TikTok cũng được đầu tư xây dựng và phát triển khá tốt, trong đó, trang TikTok Báo Hà Tĩnh đến nay đã đạt hơn 90 nghìn lượt theo dõi.
Báo chí đa phương tiện là truyền thông tin, làm báo bằng nhiều phương tiện như viết, nghe, nhìn, truyền tin trực tuyến (real time) đem lại sự sống động cũng như thông tin trung thực nhất. Báo chí đa phương tiện giúp công chúng được tiếp cận thông tin qua báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình… từ một tòa soạn báo chí, được trải nghiệm nhiều hình thức trình diễn sáng tạo thông qua nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, audio trong một sản phẩm báo chí.
Phóng viên Báo Hà Tĩnh trên các nẻo đường tác nghiệp. Ảnh tư liệu
Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phóng viên Báo Hà Tĩnh luôn bám hiện trường, sự kiện nhằm mang đến cho công chúng những thông tin, hình ảnh kịp thời và trung thực nhất.
Để có những sản phẩm báo chí đa phương tiện, thì chất liệu “đầu vào” phải từ những phóng viên đa phương tiện. Sau khi được xử lý bởi các biên tập viên, thư ký, sản phẩm được các kỹ thuật viên tiếp nhận và thiết kế, trình bày trước khi xuất bản.
Thiết kế, trình bày một sản phẩm báo chí đa phương tiện đòi hỏi kỹ thuật viên phải thật sự trăn trở, trách nhiệm và luôn sáng tạo trước khi quyết định biến chất liệu “đầu vào” của phóng viên trở thành dạng thức đa phương tiện nào và tạo cho sản phẩm ấy xuất hiện với “hình hài” nào.
Bộ phận kỹ thuật luôn trăn trở, sáng tạo trong từng sản phẩm báo chí đa phương tiện, góp phần nâng tầm bài viết.
Trước hết, phải nắm được hồn cốt của bài viết để từ đó chọn đúng hình ảnh và cách xử lý ảnh bìa, ảnh đại diện (cover) một cách nổi bật, ấn tượng và phù hợp với tít, nội dung bài. Hiểu rõ nội dung để lựa chọn chính xác câu trích dẫn nhằm làm rõ, gợi mở, nhấn mạnh những con số, mốc thời gian, quan điểm nhân vật, nhận định của tác giả… Bên cạnh đó, kỹ thuật viên sẽ đặt đúng chỗ những hình ảnh, video, file âm nhạc, audio cũng như các bản vẽ đồ họa, minh họa giúp tác phẩm sống động hơn.
Chọn lựa, xử lý hình ảnh, video, âm nhạc, font chữ... là phần việc đòi hỏi kỹ thuật viên phải thực sự trở thành một biên tập viên đúng nghĩa. Những yếu tố này rất quan trọng, thậm chí quyết định sự thành công của một sản phẩm báo chí đa phương tiện.
Để tạo ấn tượng cho độc giả, đòi hỏi kỹ thuật viên ngoài kỹ năng xử lý trên các phần mềm đồ họa, video, âm thanh và kiến thức về thiết kế lập trình còn phải có tư duy thẩm mỹ tốt, trực quan nhạy bén, nhãn quan sắc sảo. Phát hiện ra những chi tiết đắt giá trong một bức ảnh hay một yếu tố nhạy cảm trong một video, chọn lựa một bản nhạc phù hợp hay sử dụng hợp lý một font chữ ấn tượng… đều là những yếu tố song hành với kỹ thuật viên trong quá trình tạo nên một sản phẩm báo chí đa phương tiện.
Báo chí đa nền tảng là xu hướng báo chí mà người đọc có thể tiếp cận tin tức trên tất cả các nền tảng kỹ thuật số khác nhau như website, ứng dụng di động và mạng xã hội. Đặc biệt là xu hướng sử dụng các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo… để truyền tải thông tin.
Báo chí đa nền tảng lấy độc giả làm trung tâm, đưa thông tin tìm đến độc giả, tương tác trực tiếp với độc giả thông qua các nền tảng. Đây là vấn đề được Ban Biên tập Báo Hà Tĩnh hết sức quan tâm khi vận hành mô hình tòa soạn hội tụ.
Báo Hà Tĩnh sử dụng các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok, Zalo… để truyền tải thông tin.
Với đòi hỏi thông tin phải xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa các tin, bài đến với bạn đọc thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với báo chí, kỹ thuật viên lúc này trở thành người “phát hành” thông tin trên nền tảng số.
Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng “Để nắm bắt được độc giả online thì cần phải “chui” vào đầu họ - hiểu nhu cầu, sở thích và nhịp sinh học của họ”.
Quả thật, sau khi đã nắm bắt được “nhu cầu, sở thích và nhịp sinh học” của độc giả thì kỹ thuật viên đa nền tảng cũng đồng thời phải thay đổi thời gian biểu, nhịp sinh học của bản thân. Độc giả thích xem YouTube vào thời gian nào, “lướt” Facebook thời điểm nào, giải trí với TikTok vào khung giờ nào… đều được tính toán một cách kỹ lưỡng nhằm đưa thông tin đến với độc giả một cách nhanh và phù hợp nhất trên từng nền tảng.
Bộ phận kỹ thuật Báo Hà Tĩnh tổ chức trực tiếp giải Bóng bàn các CLB mở rộng Báo Hà Tĩnh năm 2022 đồng thời trên Webesite, YouTube và Facebook.
Phát triển báo chí đa nền tảng đòi hỏi nguyên liệu đa phương tiện như text, hình ảnh, video, audio… Do đặc thù của mỗi nền tảng mà nội dung và hình thức trình bày cũng khác nhau. Với YouTube, TikTok đòi hỏi là các video hay, chất lượng; với Instagram, Zalo là hình ảnh và thông tin; với Spotify là các file audio, còn với Facebook là tổng hợp các yếu tố trên. Ngoài ra, mỗi nền tảng đi kèm với những tiêu chuẩn hiển thị (view) khác nhau như website Báo Hà Tĩnh sử dụng chuẩn video 16:9 nhưng Facebook và TikTok khuyến nghị sử dụng chuẩn 9:16, vì thế, từ nguyên liệu “đầu vào” của phóng viên, bộ phận kỹ thuật lại thêm một lần “chế biến” sao cho phù hợp với yêu cầu của từng nền tảng.
Tác phẩm báo chí đa phương tiện 5 kỳ “Nông thôn mới Hà Tĩnh - mới từ ý Đảng lòng dân” đạt giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2019.
Sau 4 năm, chiến lược phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng của Báo Hà Tĩnh bước đầu thành công với việc liên tục xếp top đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng địa phương. Nhiều tác phẩm báo chí đa phương tiện ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng báo chí Trung ương và địa phương như: tác phẩm 5 kỳ "Nông thôn mới Hà Tĩnh - mới từ ý Đảng, lòng dân" đạt giải B Giải Báo chí Trần Phú và giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2019; phóng sự 4 kỳ: “Đảng viên là người có đạo ở Hà Tĩnh - khi hạt giống đỏ được ươm mầm” đạt giải A Giải Búa liềm vàng cấp tỉnh và giải C Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2021; loạt bài phóng sự điều tra“Ma trận Forex ở Hà Tĩnh và những cảnh báo”giành giải A tại Giải Báo chí Trần Phú và giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021…
Nhóm tác giả Báo Hà Tĩnh nhận giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2021.
Tuy vậy, để phát huy hết những thế mạnh của báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, chúng ta cần dành sự đầu tư thỏa đáng cho nguồn “nguyên liệu đa phương tiện”. Rõ ràng, việc đa phương tiện, đa nền tảng không chỉ là phần việc của bộ phận kỹ thuật mà phải được đội ngũ phóng viên phải tư duy ngay trong quá trình tác nghiệp. Bên cạnh đó, cần chú trọng bổ sung nhân lực cho bộ phận kỹ thuật trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng lẫn số lượng các sản phẩm báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đồng thời, cần có sự quan tâm đến việc học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ báo chí hiện đại, góp phần xây dựng và phát huy thương hiệu Báo Hà Tĩnh với những thế mạnh vốn có.
Ảnh: huy tùng - PV, CTV