Cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng cho Thủ đô Hà Nội

Chiều qua (22/3), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô. Các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết của việc ban hành một đạo luật riêng cho Thủ đô để Hà Nội phát huy một cách cao nhất vai trò là trung tâm chính trị của cả nước.

Dự thảo Luật Thủ đô đã được trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII và được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến.

Sau Kỳ họp, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương, 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; một số chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.

Các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Để xây dựng thủ đô xứng đáng là một trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, đa số các ý kiến cho rằng dự thảo Luật phải bảo đảm một số nguyên tắc như cơ chế chính sách đặt ra phải thực sự đặc thù mà các quy định hiện hành không thể giải quyết được, đồng thời phải làm rõ được tính hiệu quả của cơ chế đó.

Thứ hai, các cơ chế chính sách đặt ra phải đảm bảo tính ổn định, hợp lý, khả thi và không trái với quy định của Hiến pháp.

Thứ ba, do các cơ chế chính sách đặc thù hầu hết khác với quy định trong đạo luật hiện hành, cho nên để có thể thể thi hành được sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thì cần phải quy định rõ ngay trong luật này. Chỉ những vấn đề nào đòi hỏi phải quy định rất cụ thể, chi tiết thì mới giao cho các cơ quan khác theo thẩm quyền quy định.

Về cơ chế, chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô, ý kiến của một số đại biểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần điều chỉnh cụ thể ngay trong luật, đơn cử như việc quy hoạch các bệnh viện.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thiên (Tiền Giang), bệnh viện thuộc Hà Nội cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân thủ đô, nhưng bệnh viện tuyến Trung ương nên chuyển ra ngoại thành gần các trục giao thông, bởi đây là bệnh viện phục vụ nhân dân của toàn miền Bắc nên phải thuận tiện đường đi cho mọi người.

Liên quan tới quản lý dân cư, đa số các ý kiến không tán thành với quy định bổ sung, vì các quy định này không giải quyết được thực chất vấn đề quá tải hiện nay bởi vấn đề này không hoàn toàn do nhân khẩu thường trú, mà chủ yếu do nhu cầu nội tại về nguồn nhân lực của Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lập luận, giải pháp căn bản cho vấn đế cư trú là kéo giãn không gian thủ đô, thu phí giao thông, phí môi trường cao, hạn chế các phương tiện thô sơ mới hạn chế được vấn đề dân cư.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc bổ sung các điều kiện cư trú chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành như quy định hiện hành của Luật Cư trú đối với trường hợp được điều động, tuyển dụng làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời gian. Chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong nội thành TP Hà Nội chặt chẽ hơn đối với đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên.

Ngoài ra, một số vấn đề về cơ chế chính sách để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, vấn đề về cơ chế, chính sách khai thác, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực về tài chính, về cơ chế chính sách đặc thù đối với công dân danh dự thủ đô cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.

Sáng nay (23/3), các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Nguồn: Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast