Cửa ngõ phía Đông Sài Gòn ngày ấy, bây giờ

(Baohatinh.vn) - Từ một vùng căn cứ kháng chiến mênh mông đầm lầy, bạt ngàn lau lách, cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh ngày nay án ngữ tại trung tâm trục liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang và sẽ sở hữu nhiều công trình kiến trúc hiện đại, các trung tâm giáo dục, khoa học công nghệ cao. Tiềm năng của cửa ngõ phía Đông đang được đánh thức, nắm thế chủ động hội nhập và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục nở rộ trong thời gian không xa.

Trận quyết chiến cuối cùng

Hơn 300 năm trước, khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được triều đình giao trọng trách xây dựng và phát triển mảnh đất phương Nam thì Gia Định thành là vùng đất trọng yếu. Thời ấy, vùng đất cửa ngõ phía Đông Sài Gòn thuộc tổng An Thủy, huyện Ngãi An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định và đến năm 1955, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Chính phủ Việt Nam cộng hòa đổi tên thành quận Thủ Đức. Thủ Đức là một địa bàn rộng lớn, chạy dọc triền Đông sông Sài Gòn. Nơi đây là căn cứ cách mạng, là địa bàn trọng yếu. Đây cũng là vùng đệm để giải phóng quân tiến về Sài Gòn suốt những năm chiến tranh ác liệt.

Cửa ngõ phía Đông Sài Gòn ngày ấy, bây giờ ảnh 1

Thị trấn Xuân Lộc năm 1975, nơi diễn ra trận đánh lớn cuối cùng trước khi quân Giải phóng tiến về Sài Gòn, thống nhất đất nước. (ảnh tư liệu)

Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn mùa Xuân năm 1975, nơi cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, những cây cầu: Rạch Chiếc, Đồng Nai, Sài Gòn trở thành mục tiêu mà cả ta và địch đều quyết tâm chiếm giữ. Địch quyết giữ cầu để không bị cô lập, nhưng cũng sẵn sàng phá cầu, hòng ngăn các cánh quân của ta tiến vào trung tâm thành phố. Ngược lại, ta quyết tâm chiếm giữ bằng được cây cầu để đón đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ông Nguyễn Văn Thuật - nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 81, đơn vị chủ công đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, bồi hồi nhớ lại: Tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc, địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc này, cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ phía Đông, được chính quyền Sài Gòn tăng cường hàng ngàn quân lính cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu, thậm chí, sẵn sàng đánh sập để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn. Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Vì vậy, để chiếm được cầu, tất cả các đơn vị đặc công nước và Tiểu đoàn 81 đặc công khô thuộc Lữ đoàn 316 Bộ Tham mưu Miền đều tham gia. Hầu hết anh em chiến sĩ tham gia trận đánh này đều rất trẻ và giỏi võ thuật, vừa từ miền Bắc vào.

Đúng 17h ngày 27/4, lệnh chiến đấu được phát ra. Vì đã được chuẩn bị kỹ nên trận đánh diễn ra nhanh và thuận lợi, quân ta làm chủ trận địa mà không bị thương vong. Tuy nhiên, ngay sau đó, địch đã chống trả quyết liệt. Từ căn cứ Thủ Đức, Cát Lái, địch dùng đạn pháo và từ tàu chiến bắn tới cầu Rạch Chiếc liên tục đến sáng. Sau nhiều lần chống trả không thành, địch phát hiện sử dụng đạn pháo không hiệu quả, bởi đây là vùng sình lầy, nước sâu, nên chuyển sang đạn pháo chụp nổ từ trên cao. Vì vậy, rất nhiều anh em của các đơn vị đã hy sinh. “Trước tình hình khá nguy cấp, cấp trên đã hạ lệnh cho chúng tôi rút lui. Sáng 29/4, cả Z22 và Z23 chỉ còn lại 29 người, 52 đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại nơi cửa ngõ thành phố trước một ngày đất nước được giải phóng, mãi mãi không được thấy Sài Gòn!” – ông Thuật ngậm ngùi.

5h sáng 30/4, những chiến sỹ còn lại của Lữ đoàn 316 lại được lệnh nổ súng. Lúc này, địch tập trung rất đông tại cầu, nhưng chủ yếu là số quân vừa thất trận ở Xuân Lộc, Long Thành nên tinh thần rất hoang mang. Vừa nghe tiếng súng, chúng đã hoảng sợ, chống trả yếu ớt. Đến 7h, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 tới cầu Rạch Chiếc. Chỉ có 200 chiến sỹ đặc công, biệt động, chiến đấu với hơn 2.000 quân địch. Nhưng, chúng ta đã thắng lợi, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch, mở toang cánh cửa phía Đông đón đại quân tiến vào Dinh Độc lập.

Đô thị hiện đại trên vùng đầm hoang

Đi qua cuộc chiến tranh, trên vùng đất còn đầy dấu ấn của một thời đạn bom, người dân lại tiếp tục một cuộc chiến đấu mới chống đói nghèo, lạc hậu. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược, xây dựng và mở rộng đô thị sang vùng đất rộng lớn, nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá ở phía Đông sông Sài Gòn. Đặc biệt, năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của thành phố, tách huyện Thủ Đức thành 3 quận, là quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 ngày nay. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và thực sự là nền tảng cho sự phát triển chung của thành phố về hướng Đông, phù hợp với mô hình gắn kết để cùng nhau phát triển trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiều tiềm năng. Hàng loạt công trình chiến lược nối đôi bờ sông Sài Gòn lần lượt mọc lên như cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Sài Gòn 2; hiện đang thi công cầu Thủ Thiêm 2 và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Cửa ngõ phía Đông Sài Gòn ngày ấy, bây giờ ảnh 2

Nút giao thông ngã 3 Cát Lái, tuyến đường quan trong bậc nhất khu vực cửa ngõ phía đông nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam bộ và miền Bắc. (Ảnh: Zing.vn)

Nếu đi từ cầu Sài Gòn 2, hướng từ Bình Thạnh qua có thể nhận ra nhanh chóng sự thay đổi của khu vực quận 2, điểm đầu cửa ngõ phía Đông thành phố. Ông Nguyễn Văn Tư (phường Thảo Điền, quận 2) kể: “Cả đời tui sống trên vùng đất này, hồi trước, nơi đây toàn là đầm lầy, dừa nước mọc tùm lum. Từ đường vào nhà tui phải đi qua mấy con đường đất ngập úng. Đùng một cái, thành phố quy hoạch lại, nhà tui với khu An Phú bên cạnh trở thành vùng đất của người giàu có. Nói thế, chứ bây giờ nhìn quận 2 khác xưa, tui thấy mừng lắm!”.

Theo quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, quận 2 nằm trong khu đô thị phía Đông, là cửa ngõ thành phố, một trong hai hướng phát triển chính của thành phố với trục xa lộ Hà Nội và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, quận 2 được quy hoạch là “trung tâm dịch vụ - thương mại – công nghiệp – văn hóa – thể dục thể thao” với quy mô dân số ổn định khoảng 600.000 dân.

Hạ tầng bứt phá, quy hoạch đô thị hoàn chỉnh, quận 2 đang là điểm dừng chân hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư cũng như những ai muốn tìm kiếm chốn an cư lý tưởng.

Đô thị tri thức và công nghệ cao

Là “anh em song sinh” với quận 2 và cùng nằm trong trục phát triển phía Đông thành phố, quận 9 cũng đang khởi sắc từng ngày. Địa giới hành chính của quận 9 và quận 2 là một nhánh sông Sài Gòn được nối liền bởi cây cầu Rạch Chiếc một thời đạn lửa trên xa lộ Hà Nội. Tựa lưng vào trục Đông thành phố nên khi cửa ngõ chiến lược này bùng nổ và tăng tốc, quận 9 lập tức trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm nhờ vào những lợi thế có một không hai.

Đầu tháng 10/2014, Tập đoàn Samsung đã được cấp giấy phép đầu tư 1,4 tỷ USD vào TP Hồ Chí Minh, mở thêm nhiều kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của quận 9. Dự án với tên gọi Samsung CE Complex được thực hiện trên diện tích 70 ha trong khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Dự án có mục tiêu nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao, dự kiến, sẽ bắt đầu hoạt động vào quý II/2016. Đây là dự án sản xuất sản phẩm điện tử có vốn lớn nhất trong vòng 8 năm qua tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Thêm vào đó là việc chính phủ Hàn Quốc tài trợ 220 triệu USD để xây dựng đường vành đai 3, giúp kết nối quận 9 với trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận.

TP. Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh: TTXVN)

TP. Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh: TTXVN)

Sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ lớn tại Khu công nghệ cao là động lực phát triển mạnh mẽ cho quận 9. Các tiện ích xã hội hoàn hảo của khu Đông là nhân tố tích cực hỗ trợ quận 9 trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Hầu như các khu chức năng quan trọng tại quận 9 đều đã và đang hình thành một cách bài bản. Khu GD&ĐT Đại học Long Phước, Khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao, Cảng Phú Hữu, Khu Du lịch Suối Tiên và Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc... đều đã được vận hành, khai thác.

Đón đầu sự phát triển của trục hướng Đông thành phố, các nhà đầu tư bất động sản trong nước cũng như nước ngoài đã lần lượt rót vốn vào đây. Đông Tăng Long, Vinhomes, Đại Quang Minh, Mega Residence, Goldora, Villa Park, Riviera... đều đang từng bước định hình bộ khung các khu đô thị hiện đại; dự án khá gần nhau tạo thành những cộng đồng trí thức, chất lượng cao và an ninh tuyệt đối, mở ra nhiều tiềm năng hứa hẹn để cửa ngõ phía Đông cất cánh vươn xa.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2015

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast