Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cơ chế đặc thù trong GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông

(Baohatinh.vn) - Tán thành việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập và giao cho địa phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia cho rằng, để đảm bảo hiệu quả, Trung ương cần ưu tiên bố trí ngân sách cho địa phương thực hiện và cần có cơ chế đặc thù khi triển khai.

Chiều 10/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về “Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025”.

Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV điều hành.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cơ chế đặc thù trong GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Trong tờ trình của Chính phủ, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Với vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, địa điểm từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau. Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công.

Hà Tĩnh có gần 109 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua gồm: đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km (có 4,84 km đi qua địa bàn tỉnh, hiện đã bàn giao mặt bằng sạch và đang triển khai thi công); đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài khoảng 36 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài 54 km; đoạn Vũng Áng - Bùng dài 58 km (đoạn đi qua địa bàn dài 14 km).

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cơ chế đặc thù trong GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Quochoi.vn.

Về quy mô đầu tư: phân kỳ xây dựng với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 146.990 tỷ đồng.

Chiều 6/1, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Tại 10 tổ thảo luận ở Nhà Quốc hội và 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố đã có 226 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cơ chế đặc thù trong GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến tại hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội. Ảnh: Báo Giao thông.

Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án. Nhiều ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cho rằng việc đầu tư dự án sẽ là cú hích thu hút đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế chính trị, các KKT, KCN trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giảm thiểu tai nạn giao thông...

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia bày tỏ thống nhất cao với báo cáo, tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về thực hiện dự án và cho rằng, việc triển khai công trình là cần thiết, cấp bách vì hiện nay, lưu lượng xe trên các tuyến quốc lộ Bắc - Nam đã quá tải.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cơ chế đặc thù trong GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Khi hoàn thành toàn tuyến sẽ góp phần cùng các hình thức khác đảm bảo năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các KCN, KKT trọng điểm, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển KT - XH và đảm bảo QP - AN.

Đại biểu Trần Đình Gia nhất trí cao việc đầu tư toàn bộ dự án theo hình thức đầu tư công, bởi hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thiếu ổn định; một số hạn chế của các dự án giao thông BOT giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm...

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cơ chế đặc thù trong GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đang triển khai thi công.

Tán thành tách công tác GPMB, TĐC thành dự án độc lập và giao cho địa phương tổ chức thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương để địa phương thực hiện; đồng thời, tạo cơ chế đặc thù như áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện GPMB, TĐC...

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác phát huy hiệu quả dự án thì cần triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ bố trí nguồn lực, thiết kế kỹ thuật, công tác GPMB, cơ chế đấu thầu, thi công, quản lý, khai thác…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề nghị cần thiết kế, bố trí nguồn kinh phí triển khai biện pháp thi công, nhất là các đường công vụ, trung chuyển vật liệu thi công đường cao tốc.

Trường hợp mượn các tuyến đường dân sinh làm đường công vụ cần đưa vào trong phương án, thoả thuận với địa phương, bố trí vốn để hoàn trả các tuyến đường dân sinh theo đúng lộ trình đã cam kết, không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân sau khi dự án hoàn thành.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cơ chế đặc thù trong GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay: Việc đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển KT - XH đã được Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội khóa XV thông qua, phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT nói chung và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc nói riêng.

Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương liên quan nghiên cứu kỹ các phương án về hướng tuyến để lựa chọn phương án phù hợp, bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa khối lượng GPMB, tránh các khu đông dân cư, hạn chế tác động đến các khu di tích, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ...

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast