Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý xung quanh giải quyết tranh chấp trong thực hiện Hiệp định EVIPA

(Baohatinh.vn) - Đại biểu Lê Anh Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tham gia đóng góp một số nội dung sát thực trong phiên thảo luận sáng 8/6 tại Quốc hội.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 8/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU.

Thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, đại biểu Lê Anh Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý xung quanh giải quyết tranh chấp trong thực hiện Hiệp định EVIPA

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tại phiên họp sáng 8/6. Ảnh: Vũ Lâm Hiển (Báo Đại biểu Nhân dân)

Trước hết về nguyên tắc, theo đại biểu, việc ban hành Nghị quyết về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp để thực thi các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 3.57 của Hiệp định EVIPA phải đảm bảo thực hiện đúng theo các nội dung cam kết trong Hiệp định.

Tại Khoản 2 Điều 3.57 của Hiệp định thì phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp EVIPA sẽ được công nhận và cho thi hành như phán quyết chung thẩm của tòa án. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết thì sau khi có phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp EVIPA đối với bị đơn là Việt Nam thì phán quyết đó được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài. Và, tòa án Việt Nam có thể công nhận hoặc không công nhận phán quyết đó theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý xung quanh giải quyết tranh chấp trong thực hiện Hiệp định EVIPA

Đại biểu Lê Anh Tuấn phát biểu góp ý. Ảnh: Vũ Lâm Hiển (Báo Đại biểu Nhân dân)

Như vậy, với quy định này trong dự thảo liệu đã phù hợp với nội dung cam kết như đã nêu tại Khoản 2 Điều 357 của Hiệp định EVIPA hay chưa? Và nếu quy định như dự thảo thì cơ sở pháp lý nào để Tòa án Việt Nam không nhận phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp theo hiệp định EVIPA.

Thứ hai, tại Khoản 4 Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp EVIPA sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo đại biểu, có thể quy định trường hợp không bị kháng cáo, còn trường hợp không bị kháng nghị thì đề nghị cân nhắc, xem xét. Bởi không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp hoặc trên một cấp trong trường hợp Tòa án Việt Nam khi công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo hiệp định EVIPA có vi phạm về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam.

Thứ ba, tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 2 dự thảo Nghị quyết sử dụng cụm từ “Người được thi hành phán quyết”, đề nghị cần quy định rõ người được thi hành phán quyết ở đây gồm những chủ thể nào, có phải chỉ bao gồm nhà đầu tư hay gồm cả chủ thể là quốc gia, trong trường hợp Nhà nước là chủ thể có quyền và lợi ích liên quan.

Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Anh Tuấn đã phát biểu tranh luận xung quanh nội dung Tòa án Việt Nam có thể công nhận hoặc không công nhận phán quyết chung thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam.

Theo đại biểu, không có cơ sở nào để Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết chung thẩm của cơ quan tranh chấp theo Hiệp định EVIPA.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý xung quanh giải quyết tranh chấp trong thực hiện Hiệp định EVIPA

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT hứa sẽ sớm hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư phù hợp với quy định của Hiệp định.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khẩn trương bố trí kinh phí chi trả cho người xin nghỉ và dôi dư trong quá trình sắp xếp

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khẩn trương bố trí kinh phí chi trả cho người xin nghỉ và dôi dư trong quá trình sắp xếp

Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vào sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương.
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuyên dương 11 điển hình học và làm theo Bác

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuyên dương 11 điển hình học và làm theo Bác

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã tuyên dương, khen thưởng 3 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Hà Tĩnh sắp xếp 209 xã, phường, thị trấn thành 69 đơn vị (9 phường, 60 xã). Đây không phải là lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng là lần sắp xếp có tính chất lịch sử, khi tiến hành bỏ cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.