Đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp

(Baohatinh.vn) - Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đưa ra chỉ tiêu: phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015-2020 từ 25% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên 35%. Hà Tĩnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ảnh 1
Chị Chu Thị Hạnh, vừa là Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Hưng, vừa là chủ mô hình nuôi hươu cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến thời điểm hiện nay, số hồ sơ nữ ứng cử đại biểu HĐND các cấp đạt tỷ lệ khá cao, ở tỉnh là 37,84%, huyện 37,92%, xã 39,51%. Dù đặt ra yêu cầu đảm bảo tỷ lệ nữ nhưng số lượng phải đi đôi với chất lượng. Muốn vậy, trong cơ cấu thành phần, số lượng người được giới thiệu phải có sự phân chia hợp lý về tỷ lệ nữ. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.

Trong quá trình hiệp thương các vòng để dự kiến các ứng cử viên thì ủy ban MTTQ các cấp phải chịu trách nhiệm đảm bảo số lượng và chất lượng ứng cử viên nữ. Bên cạnh đó, công tác nhân sự liên quan đến các cấp ủy quản lý thì phải có dự kiến nhất định về vị trí mà cán bộ nữ đảm nhiệm. Nếu cần thiết phải có sự điều chuyển, sắp xếp lại các vị trí công tác sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bà Nguyễn Thị Nữ Y – Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cho biết: “Kỳ này, trong hướng dẫn cơ cấu đại biểu QH được giới thiệu ứng cử tại tỉnh Hà Tĩnh thì đại biểu nữ kết hợp yếu tố trẻ (dưới 40 tuổi) chứ không kết hợp cơ cấu yếu tố khác. Đối với đại biểu HĐND các cấp thì theo hướng dẫn 38 của Ban Tổ chức T.Ư và hướng dẫn 01 của BTV Tỉnh uỷ, vấn đề chất lượng rất được coi trọng”.

Một yếu tố quan trọng nữa là bản thân các ứng cử viên nữ phải khẳng định được mình để cử tri tin tưởng và lựa chọn. Do định kiến tiềm ẩn về giới vẫn còn, đã tác động đến tâm lý xã hội và người phụ nữ, vì thế, phần đông phụ nữ còn tự ti về năng lực và vị thế của mình trong xã hội. Thực tế cho thấy, khi tham gia ứng cử, vận động bầu cử, khả năng diễn thuyết, trình bày kế hoạch hành động trước cử tri của phụ nữ có những hạn chế so với nam giới. Tâm lý lo lắng, thiếu tự tin và thiếu tự nhiên khi tiếp xúc với các cơ quan truyền thông cũng phần nào ảnh hưởng đến thành công của họ.

Với vai trò và nhiệm vụ của mình, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo và cùng với hội LHPN các cấp chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu tạo nguồn cán bộ nữ; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Bà Dương Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, bồi dưỡng, hỗ trợ ứng cử viên nữ thông qua các hình thức như tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, tổ chức thực hành cho nữ ứng cử viên, đồng hành với họ trong các buổi tiếp xúc cử tri. Trong các nhiệm vụ đó, tùy từng thời điểm và từng bước tham gia ứng cử, BTV Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động để giúp nữ ứng cử viên từ cách thu thập thông tin, xây dựng chương trình hành động phù hợp đến kỹ năng báo cáo, truyền tải chương trình hành động với cử tri nơi ứng cử”.

Như vậy, để tăng tỷ lệ nữ trúng cử ĐBQH và HĐND các cấp, ngoài công tác tổ chức nhân sự của các cơ quan chức năng thì ứng cử viên nữ phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm tốt các nhiệm vụ trong cơ quan dân cử.

Bên cạnh đó, giới nữ phải thực sự tin tưởng vào chính mình, vào truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ủng hộ tăng cường phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị quốc gia thông qua các văn bản pháp luật và chính sách.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast