Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 22/11 tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn ĐBQH cùng lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục Đào tạo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và lãnh đạo Cục, Vụ có liên quan tham dự.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Võ Kim Cự đã báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm qua, tình hình và kết quả giáo dục và đào tạo hiện nay và những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý, chất lượng giáo viên, chất lượng giáo dục toàn diện....

Để giúp Hà Tĩnh thực hiện hoàn thành các mục tiêu về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đến năm 2015 và những năm tiếp, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực rất lớn, rất cấp bách, rất cơ bản cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh (cần hàng chục vạn lao động), đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm giúp tỉnh: Nâng mức phân bổ chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo hàng năm cho tỉnh là 160 tỷ đồng/năm (Dự án phổ cập giáo dục 30 tỷ, Dự án dạy và học ngoại ngữ trong trường 30 tỷ, Dự án Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất trường chuyên, trường sư phạm: 100 tỷ).

Nâng mức kinh phí đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đợt đầu từ Chương trình phát triển giáo dục Trung học cho trường THPT chuyên từ 9,5 tỷ đồng (hiện nay) lên 20 tỷ đồng.

Ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư XDCB cho 5 trường THPT từ Dự án phát triển Giáo dục THPT giai đoạn 2 để đầu tư xây dựng 05 trường THPT với quy mô 62 phòng học và 14 phòng bộ môn của các trường: Trường THPT Nguyễn Đình Liễn, huyện Cẩm Xuyên; Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu, Trường THPT Lê Quảng Chí, huyện Kỳ Anh; Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc; Trường THPT Cao Thắng, huyện Hương Sơn. (UBND tỉnh đã có công văn đề xuất gửi Ban quản lý dự án Phát triển GDTHPT giai đoạn 2- Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Hiện nay Hà Tĩnh đang tích cực thực hiện Đề án quy hoạch lại hệ thống trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh với số vốn cả giai đoạn 2013-2015 dự kiến 4.103 tỷ đồng. Vì vậy, kính đề nghị Bộ ưu tiên bố trí vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các chương trình mục tiêu khác hỗ trợ Hà Tĩnh thực hiện mục tiêu của Đề án. Mỗi năm 100 tỷ đồng;

Năm 2012, Hà Tĩnh đã sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và Trung tâm GDTX tỉnh thành Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và GDTX tỉnh. Ngoài nhiệm vụ GDTX, trung tâm có nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho toàn ngành. Hiện nay nguồn vốn để xây dựng trung tâm còn rất khó khăn, đề nghị Bộ ưu tiên hỗ trợ nguồn kinh phí từ chương trình phát triển Giáo dục Trung học và các chương trình mục tiêu khác để xây dựng cơ sở vật chất trung tâm. Khoảng 30 tỷ đồng;

Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh là dự án trọng điểm của tỉnh đến nay một số hạng mục đã hoàn thành, nhiều hạng mục đang tiếp tục triển khai, để dự án sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động, đề nghị Bộ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho trường Đại học Hà Tĩnh (theo các dự án phát triển GDTrH và TCCN). Mức hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Đề nghị Bộ ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy nghề cho các trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp - GDTX cấp huyện (là những đơn vị vừa mới được giao thêm nhiệm vụ dạy nghề). Mức hỗ trợ mỗi trường 15 tỷ đồng X 10 trường = 150 tỷ đồng.

Đề nghị Bộ cho phép Trường Đại học Hà Tĩnh chủ động phối hợp với các trường đại học có uy tín trong nước để đào tạo trình độ thạc sỹ, đại học... phục vụ cho phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và các ngành của tỉnh. Cần có các cơ chế quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp để họ xác định rõ các ngành nghề cụ thể cần đào tạo, hổ trợ kinh phí, số lượng và thời gian sử dụng. Đặc biệt phải có cam kết (cả 2 phía sinh viên và doanh nghiệp) sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp được làm việc và phải làm việc tại các doanh nghiệp đó.

Tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Trường Đại học Hà Tĩnh làm tốt công tác đào tạo cho lưu học sinh nước CHDCND Lào (hiện nay số học sinh Lào học tại Trường ĐHHT là 487 em), cụ thể: Đưa vào chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, học bổng... cho đào tạo lưu học sinh Lào; hàng năm Bộ GD&ĐT phân bổ chỉ tiêu đào tạo theo hiệp định giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Lào cho Trường ĐHHT; cho phép Trường ĐHHT tham gia một số hoạt động nằm trong chương trình hổ trợ giáo dục cho nước CHDCND Lào.

Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan, phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Quốc phòng - an ninh và nét nổi bật trong những năm qua Hà Tĩnh luôn xếp vào tốp đầu về giáo dục đào tạo.

Về những đề xuất của tỉnh Bộ trưởng tiếp thu và ghi nhận, thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo và phối hợp với tỉnh từng bước triển khai thực hiện các nội dung trên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast