Nguyễn Du - Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc

(Baohatinh.vn) - 2015 là năm đất nước diễn ra nhiều sự kiện lớn, gợi ta nghĩ nhiều về quá khứ và tương lai. Quá khứ là các sự kiện: 85 năm Đảng ta ra đời, 70 năm Cách mạng tháng Tám, 40 năm đại thắng mùa Xuân 1975. Tương lai là năm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII...

Trên cả hai chiều ngược và xuôi, năm 2015, buộc ta phải nhận diện thật kỹ lưỡng những được - mất của hôm qua và tổng kiểm kê mọi vốn liếng, tiềm năng vật chất và tinh thần của dân tộc hôm nay, cho một hành trình mới, một cuộc lên đường mới của dân tộc.

2015 cũng là năm sinh lần thứ 125 của Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh và 250 năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Nói sự kiện cũng là nói con người, bởi con người làm nên sự kiện. Những sự kiện lớn được khởi động và kiến tạo bởi con người - trong nghĩa rộng, đó là cả một dân tộc và trong nghĩa hẹp, đó là những vĩ nhân của dân tộc và lịch sử. Với thời hiện đại của dân tộc Việt Nam, vĩ nhân đó là Hồ Chí Minh, người ở vị trí kiến tạo và kết nối các sự kiện lớn của dân tộc trong thế kỷ XX.

Nguyễn Du - Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc ảnh 1
Người về thăm quê. Ảnh tư liệu

Sinh năm 1890, ở tuổi 21, Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình sang phương Tây tìm đường cứu nước trên một con tàu viễn dương, xuyên qua nhiều đại lục. Người đã trải rất nhiều nghề (hơn 12 nghề), nhưng trong căn cước (chứng minh thư) lại chỉ ghi một nghề là thủy thủ (matelot). Người đã dùng rất nhiều tên, nhiều bút danh, nhưng rồi dừng lại ở tên Nguyễn Ái Quốc (người yêu nước họ Nguyễn).

Sau 6 năm qua các đại dương để đến với ba lục địa là châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, cuối cùng, vào năm 1917, Người dừng lại ở Paris. Ở đây, Người gặp được Luận cương về cách mạng dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, nó chính là cẩm nang thần kỳ để cứu dân tộc. Từ đây, Người - trong tên gọi Nguyễn Ái Quốc, bắt đầu một sự nghiệp viết, kể từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam (1919), qua Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) đến Đường Kách mệnh (1927), để - với văn kiện lý luận này mà tiến hành việc tổ chức, xây dựng Đảng - năm 1930, trong tư cách người sáng lập Đảng và lãnh tụ của dân tộc.

Rời quê hương ra đi vào năm 1911, phải sau 30 năm, cho đến mùa xuân 1941, Nguyễn Ái Quốc mới có thể về nước, khi thời cơ cách mạng đã đến; để chỉ 4 năm sau đó, vào tháng Tám 1945, Người lãnh đạo toàn dân Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, chấm dứt 80 năm nô lệ thực dân Pháp và nhiều nghìn năm phong kiến, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đây, ở thời điểm 1945 lịch sử, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình, do chính mình soạn thảo, trong tư cách vị Chủ tịch nước đầu tiên. Và cũng từ đây, Người là vị Tổng Tư lệnh tối cao, là linh hồn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài suốt 30 năm cho đến tháng 4/1975... Phải đến 1975, công cuộc độc lập và thống nhất Tổ quốc Việt Nam mới được thực hiện trọn vẹn.

Qua đời ngày 2/9/1969, có nghĩa là phải sau 6 năm nữa, Tổ quốc Việt Nam mới đến được mục tiêu mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mong mỏi. Nhưng ở thời điểm mở đầu 1969, mục tiêu, niềm tin đó đã được Hồ Chí Minh “tiên tri” trong 6 câu thơ xuân chúc tết đồng bào:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào!

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Tiếp đó là Di chúc mà ngay từ dòng đầu đã là một sự khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song, nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Và: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Như vậy là cả 3 sự kiện lớn của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, qua các thời điểm 1930, 1945 và 1975 đều được khởi nguồn và kiến tạo bởi một vĩ nhân của dân tộc. Đó là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người xứng đáng kế tục các tên tuổi: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... trong lịch sử.

Nguyễn Du - Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc ảnh 2
Hát ví, giặm trong Khu lưu niệm Nguyễn Du (Tiên Điền - Nghi Xuân)

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn là Danh nhân văn hóa với một sự nghiệp viết liên tục trong 50 năm, bắt đầu từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam (1919) ở Paris, qua Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927) đến Ngục trung nhật ký (1943), Tuyên ngôn độc lập (1945) và cuối cùng là Di chúc (1969). Một sự nghiệp viết trên cả ba loại chữ: Pháp, Hán, Việt, với mục tiêu cao nhất và duy nhất là độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, tự do cho con người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (1). Một sự nghiệp viết 50 năm gắn bó với một sự nghiệp cách mạng làm nên một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam, thời đại mang tên Hồ Chí Minh; và với sự nghiệp đó, Hồ Chí Minh được tôn vinh là Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

Lịch sử khéo sắp xếp cho năm 2015, năm kỷ niệm 125 năm sinh Hồ Chí Minh, cũng là năm kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, tác giả Truyện Kiều bất hủ - đỉnh cao tuyệt vời của văn chương dân tộc.

Cả hai đều là người con của Xứ Nghệ, đều được Tổ chức Khoa học, Giáo dục, Văn hóa quốc tế UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới. Riêng Nguyễn Du, năm 1965, nhân 200 năm sinh, cũng đã được Hội đồng Hòa bình thế giới tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Cả hai là biểu trưng cho sự kết tinh những giá trị tinh thần cao đẹp nhất của dân tộc Việt. Đó là một chủ nghĩa yêu nước xuyên suốt 4.000 năm, với các truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về các vua Hùng (“Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” - Lời Hồ Chí Minh - 1954), qua bốn câu thơ “thần” của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, đến Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Và một chủ nghĩa nhân văn với đỉnh cao tuyệt vời là Truyện Kiều của Nguyễn Du, sản phẩm của “một con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”.

Cả hai, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh đã và sẽ trường tồn với Tổ quốc Việt, dân tộc Việt, non sông đất nước Việt. Cả hai, luôn luôn, và bất cứ lúc nào cũng đã và sẽ là điểm tựa tinh thần cho dân tộc Việt, vượt mọi gian khổ, khó khăn, hiểm nguy để đến với những mục tiêu xứng đáng với Con Người. Hãy để Tố Hữu nói hộ ta tấm lòng biết ơn và niềm tin ấy:

“Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày"

(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

“Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng

Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay”.

(Theo chân Bác)

Từ những sự kiện, gắn với tên tuổi hai người con vĩ đại của dân tộc Việt, cùng có chung quê hương xứ Nghệ, tôi muốn trở lại ý tưởng: Năm 2015 là một năm như thế!

_______

(1) Trả lời các nhà báo, tháng 1/1946.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast