Kết quả vừa được công bố cho thấy các ông Nguyễn Đắc Vinh, Lê Quang Huy, Vũ Hải Hà, Bùi Văn Cường đã trúng cử.
Cụ thể, ông Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh sinh năm 1972, quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.
Tháng 4/2016 đến 12/2019, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Đắc Vinh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và điều động ông làm Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng vào cuối năm 2019.
Từ trái qua phải: Ông Vũ Hải Hà, ông Nguyễn Đắc Vinh, ông Lê Quang Huy và ông Bùi Văn Cường
Ông Lê Quang Huy – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Sinh năm 1966, ông Lê Quang Huy quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; đại biểu Quốc hội 3 khóa XII, XIII, XIV. Ông được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từ 3/2014. Cuối năm 2017, ông giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Ông Vũ Hải Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.
Ông Vũ Hải Hà sinh năm 1969, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV. Tháng 7/2011 ông là Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban từ 11/2013.
Nghị quyết về việc ghi nhận kết quả bầu cử Chủ nhiệm các Uỷ ban cũng đã được Quốc hội thông qua với 463/463 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,46% tổng số đại biểu Quốc hội).
Ở vị trí Tổng Thư ký Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trúng cử. Nghị quyết về việc ghi nhận kết quả bầu cử Tổng Thư ký Quốc hội được Quốc hội thông qua với 465/465 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,88% tổng số đại biểu Quốc hội)
Ông Bùi Văn Cường sinh năm 1965, quê ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.
Tháng 7/2019, ông Cường được điều động tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk từ đó đến nay.
* Cũng trong sáng 7/4, sau khi thảo luận và thông qua danh sách nhân sự, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo kết quả kiểm phiếu, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã được Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước thay ông Hồ Đức Phớc - người được miễn nhiệm chức danh này để nhận nhiệm vụ khác.
Nghị quyết về việc ghi nhận kết quả bầu cử Tổng Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thông qua với 462/462 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,25% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh
Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Trước khi được giới thiệu bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Trần Sỹ Thanh từng kinh qua các chức vụ: Chánh Văn phòng, sau đó là Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Hiến pháp quy định Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Còn Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.