“Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp"

Bà Trương Thị Mai cho rằng: Tên dài không ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng nên khuyến khích đặt người dân tên ngắn chứ không nên áp đặt.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng cường trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/5 cho biết, tính đến ngày 28/4/2015, qua 86 báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của các Bộ, ngành, địa phương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

“Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp" ảnh 1
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo tại phiên họp UBTVQH sáng 12/5

Về cơ bản, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Kế thừa, phát triển được các quy định còn phù hợp của pháp luật dân sự hiện hành và các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực nêu trên thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự.

Về quyền của cá nhân đối với họ, tên, xác định dân tộc, dự thảo Bộ luật quy định cá nhân có quyền có họ, tên, chữ đệm, xác định dân tộc và xác định lại dân tộc; quy định những căn cứ pháp lý cụ thể, thống nhất cho cá nhân thực hiện quyền của mình về đặt, thay đổi họ, tên và chữ đệm, về xác định dân tộc và xác định lại dân tộc.

Dự thảo cũng quy định tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái.

Cấm lợi dụng việc thay đổi họ, tên, chữ đệm nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, so với Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo bổ sung thêm phần “chữ đệm”. Ủy ban đề nghị cân nhắc vì việc sử dụng “Họ và tên” từ trước đến nay đã trở thành thông dụng. Việc thay đổi liệu có cần thiết không và có dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính hay không? Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với quan điểm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh quy định về họ, tên nên trên cơ sở duy trì nền nếp văn hóa Việt Nam; đồng thời bày tỏ: ”Điều rất lạ là khi Việt kiều về nước thì dùng tên Việt Nam như Thanh Bùi, Phi Nhung, nhưng người Việt Nam ở Việt Nam lại có tên tiếng Việt kèm theo tiếng Tây”.

Về việc khống chế họ, tên và chữ đệm không quá 25 chữ cái, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng điều này là hợp lý. Vì thực tế có trường hợp đặt tên quá dài, có tên 30 đến 40 chữ cái, ảnh hưởng đến việc thể hiện trên hồ sơ, đưa vào danh mục và giao dịch.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: ”Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng đâu! Nên khuyến khích người dân đặt tên ngắn vì đặt tên phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới con cái của họ, chứ không nên áp đặt”./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast