Tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Nói đến nhân văn trước hết là nói đến vấn đề con người. Trong Di chúc, con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến là mọi tầng lớp nhân dân và rộng hơn là cả nhân loại.

Tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954. Ảnh tư liệu

Vấn đề con người trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc bao gồm:

1. Về vấn đề nhân tố con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đầu tiên là công việc đối với con người” (1).

Tính chất nhân văn cao cả trong Di chúc của Người là sự đánh giá đúng nhân tố con người và lòng tin tưởng tuyệt đối của Người vào sức mạnh của nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn coi trọng con người - tức là mọi tầng lớp nhân dân - là động lực của cách mạng, đồng thời là mục tiêu, đối tượng phục vụ của sự nghiệp cách mạng.

2. Vấn đề chăm lo lợi ích của con người, Lợi ích của con người bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (2).

Trong Di chúc, Người còn ân cần căn dặn những việc cần làm đối với thương binh, liệt sĩ và cha mẹ, vợ con của họ; đối với những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong; đối với phụ nữ, nông dân… nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”… Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ đói rét” (3).

Đối với phụ nữ, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo” (4).

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nông dân ta đã góp sức người, sức của, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. “Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp… để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” (5) - Người căn dặn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên những nạn nhân của chế độ cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… Người căn dặn: “Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện” (6).

3. Vấn đề chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ. Có lẽ, bao trùm nhất, quan trọng nhất trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc là sự quan tâm đến người cộng sản, đến Đảng. Đây là nét độc đáo trong tư tưởng nhân văn của Người.

Đoàn kết vừa là vấn đề tập hợp lực lượng, đồng thời là vấn đề đạo đức cách mạng. Trong Di chúc, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” (7).

Xã hội mới theo hướng lấy con người làm trung tâm đòi hỏi trước hết như Di chúc của Người đã viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(8). Các phẩm chất này đã trở thành những nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân văn cộng sản trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng. Di chúc khẳng định: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (9).

4. Vấn đề tình thương yêu đối với con người. Người viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”(10).

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho mọi người là như vậy. Người còn căn dặn chúng ta phải sống có tình, có nghĩa. Trong Di chúc, Người viết: “Trong Đảng… phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (11). Người còn nhấn mạnh: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa Quốc tế vô sản, có lý, có tình” (12).

Nhận thức sâu sắc tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng ta ra sức làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giáo dục, rèn luyện đạo đức, nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tạo chuyển biến tích cực hơn trong cả nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng.

_____

(1 - 12) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, 1996, T.12.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast