Tuyên ngôn Độc lập 1945 - Phát triển từ quyền con người thành quyền dân tộc

(Baohatinh.vn) - Chỉ vỏn vẹn trên dưới 1.030 từ, Tuyên ngôn độc lập 1945 đã kết tinh một cách tài tình khát vọng về nhân quyền, về nền độc lập, tự do của cả một dân tộc.

Ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong cuộc hành trình đầy cam go, dai dẳng mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước hàng vạn người dân thủ đô và các vùng lân cận, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn độc lập 1945 có thể coi là bản anh hùng ca thời đại mới, kế thừa và phát huy sâu sắc những áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta như: Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo. Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata từng đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc” trong bản tuyên ngôn bất hủ này.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 - Phát triển từ quyền con người thành quyền dân tộc ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/195. Ảnh tư liệu

Ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, ở thời khắc vô cùng quan trọng, bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm cao độ, dân tộc ta đã kết thúc 80 năm dài nô lệ lầm than dưới ách thống trị của kẻ thù thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cách mạng đã thắng lợi, song cả dân tộc ta đang phải đối mặt với muôn trùng thử thách. Các lực lượng thù địch vẫn chưa từ bỏ ý đồ chiếm nước ta một lần nữa.

Nhiều nhà phân tích chiến lược đã đánh giá rất chính xác: Nam quốc sơn hà mới chỉ khẳng định sông núi, lãnh thổ này là của ta, rằng nhân dân ta quyết tâm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào; Bình Ngô đại cáo cũng mới dừng lại ở tuyên bố về sự toàn thắng của công cuộc kháng chiến trường kỳ, mở đầu cho kỷ nguyên mới, phục dựng đất nước”. Còn Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 hoàn toàn khác. Đây là một bản tuyên ngôn không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà là sự khẳng định về quyền độc lập thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Trong tuyên ngôn nổi tiếng này, tính dân tộc và tính thời đại được khẳng định một cách rõ ràng và gắn bó vô cùng chặt chẽ.

Trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Bác giải thích: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới vườn hoa Ba Đình. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới vườn hoa Ba Đình. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Bác cũng trích dẫn Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đây là cách lập luận mang dấu ấn của Người rất rõ, vừa khéo léo, vừa cương quyết đối với kẻ thù: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Khéo léo vì để cho cả phía Mỹ và Pháp thấy rõ sự tôn trọng của mình đối với bản tuyên ngôn của hai nước. Kiên quyết, vì đây là sự khẳng định một cách rất rõ ràng, nếu họ tiếp tục tiến công xâm lược Việt Nam thì chính họ đã phản bội, chà đạp lên tuyên ngôn của tổ tiên mình, và nhất định sẽ hứng chịu thất bại.

Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trích dẫn nội dung của hai bản tuyên ngôn này. Một lần nữa, đây là sự khẳng định với thế giới rằng, ba bản tuyên ngôn, ba nền độc lập của ba dân tộc Mỹ - Pháp - Việt là ngang hàng nhau. Điều này Người còn có dụng ý sâu xa, nhắc mọi người hiểu rõ hơn vị thế của một nước nhỏ, nghèo nhưng biết đoàn kết, phát huy cao độ trí tuệ và lòng quyết tâm của mình, có thể làm nên một cuộc cách mạng vĩ đại vào bậc nhất thế giới.

Nếu như bản tuyên ngôn của hai nước Mỹ và Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ mẫn tiệp và sự trải nghiệm thực tế qua cuộc cách mạng Việt Nam đã phát triển một cách sáng tạo giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người. Đây là hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Có độc lập dân tộc thì mới có quyền con người; ngược lại, khi quyền con người được coi trọng và phát huy thì độc lập của một dân tộc mới thực chất, mới có ý nghĩa thật sự. Người từng khẳng định, nền độc lập, tự do mà nhân dân Việt Nam giành lại được “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”.

Tuyên ngôn nêu rõ: “ Chúng tôi thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn mọi quan hệ với Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước mà Pháp đã ký về Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất Việt Nam”. Bằng lập luận đanh thép, quan điểm dứt khoát, Tuyên ngôn độc lập không chỉ đập tan những luận điệu xảo trá của thực dân Pháp mà còn khẳng định quyền độc lập dân tộc, quyền tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam trước cộng đồng thế giới. Những tuyên bố hùng hồn đó đã “đánh đòn phủ đầu”, đập tan những luận điệu xuyên tạc trong âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam. Nếu chủ quyền dân tộc bị đe dọa thì toàn thể nhân dân Việt Nam “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Đông đảo nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình hay còn gọi là Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Đông đảo nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình hay còn gọi là Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

70 năm đã trôi qua kể từ khi bản Tuyên ngôn độc lập vang lên giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhưng tư tưởng, quan điểm, sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, nhất là đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế diễn ra ngày càng phức tạp, Đảng ta luôn xác định độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, con người được bảo đảm sống trong hòa bình, hạnh phúc là quyền tối thượng cần phải được tôn trọng. Quan điểm đó được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập một cách kiên quyết, không nhân nhượng trước thế giới về vấn đề biển Đông: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình hữu nghị viễn vông, lệ thuộc nào đó”.

Năm tháng trôi qua, vạn vật cũng sẽ đổi thay, song giá trị lịch sử, pháp lý; giá trị nhân văn về quyền dân tộc và quyền con người của bản Tuyên ngôn độc lập 1945 mãi mãi trường tồn trong lòng nhân dân Việt Nam và toàn thể nhân loại yêu chuộng tự do, bác ái. Tuyên ngôn độc lập là sức mạnh tinh thần cổ vũ dân tộc Việt Nam viết tiếp những chương mới trong bản trường ca hào hùng xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast