Chính trường Thái Lan: Không có chỗ cho người trẻ?

Sau mấy năm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự, chính trường Thái Lan xuất hiện gương mặt trẻ kỳ vọng mang lại làn gió mới, dẫu cơ hội chiến thắng tổng tuyển cử là rất nhỏ.

Những ngày gần đây, những người Thái quan tâm tới cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra đang háo hức quan sát nhân vật trẻ tuổi mới nổi: tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit, một trong những người sáng lập đảng Hướng đến tương lai.

Đảng quần chúng của tỷ phú trẻ tuổi

Ở tuổi 39, Thanathorn được so sánh với những nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau với kỳ vọng mang lại làn gió tươi mới trên chính trường Thái Lan sau nhiều năm ngột ngạt dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự.

Thanathorn không phải là một nhân vật hoàn toàn mới đối với giới chính trị Thái. Từ thời sinh viên, ông đã nổi danh với các hoạt động chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.

chinh truong thai lan khong co cho cho nguoi tre

Tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit. Ảnh: Reuters.

Thanathorn thành lập đảng Hướng đến tương lai và đăng ký tên đảng với nhà chức trách Thái Lan hôm 15/3. Trong buổi giao lưu trực tuyến sau đó trên mạng xã hội Facebook, tỷ phú 39 tuổi cho biết động lực thôi thúc ông trên con đường chính trị là các nguyên tắc dân chủ và ý tưởng thành lập một tổ chức dám và có khả năng đương đầu với các lực lượng, thể chế phi dân chủ.

Tỷ phú Thanathorn tuyên bố đảng non trẻ mới thành lập sẽ là một đảng dành cam kết và hướng tới nguyện vọng của các cử tri trẻ tuổi. Ông nhấn mạnh sẽ áp dụng các quy chế dân chủ cho mọi hoạt động của đảng này, từ kết nạp thành viên cho tới xác định phương hướng và chiến lược hoạt động.

Để chứng minh cho tinh thần "quần chúng" của đảng này, Thanathorn tuyên bố đảng của ông sẽ hoạt động dựa trên các nguồn hỗ trợ của nhân dân thay vì tiền túi của ông hay các nhà tài phiệt.

Mặc dù vậy, đảng non trẻ của vị tỷ phú đã nhận những "cú đấm" đầu tiên từ những lực lượng nhiều năm nay đã góp phần đẩy Thái Lan vào các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp: phe áo vàng ủng hộ quân đội và tự nhận là phe bảo hoàng (trung thành với Hoàng gia, tuy nhiên Hoàng gia Thái Lan trung lập về chính trị)

Những người bảo hoàng cực đoan nhất đã tấn công đảng Hướng đến tương lai và vị tỷ phú ngay từ khi đảng này còn chưa chính thức hoạt động.

"Hướng đến tương lai à. Đó là tương lai của những kẻ muốn làm xói mòn quyền lực của Nhà vua", Rienthong Nanna, một viên tướng Thái Lan về hưu, viết trên Facebook.

Thanathorn đã bác bỏ những lời cáo buộc rằng ông là một người chống Hoàng gia. Ông cũng từ chối đưa ra lời bình luận về chế độ quân chủ, một động thái dễ hiểu bởi bình luận về Hoàng gia là một chủ đề hết sức nhạy cảm tại Thái Lan.

"Đảng của Thanathorn đưa ra một con đường mới cho Thái Lan. Đó là con đường lẽ ra Thái Lan phải đi từ nhiều năm qua", giáo sư Pavin Chachavalpongpun, chuyên gia về chính trị Đông Nam Á từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto, nhận định. Thực tế, không ít các nhân vật lưu vong chống chính quyền quân sự Thái Lan dành sự ủng hộ công khai cho Thanathorn.

chinh truong thai lan khong co cho cho nguoi tre

Tỷ phú Thanathorn (phải) và người đồng sáng lập đảng Hướng đến tương lai sau khi đăng ký tên đảng hôm 15/3. Ảnh: AFP.

Dẫu lạc quan về tương lai của đảng Hướng đến tương lai, vị tỷ phú 39 tuổi không mấy tin tưởng vào khả năng đảng non trẻ của ông sẽ giành được thành công trong kỳ bầu cử sắp tới.

"Luật bầu cử hiện không có lợi cho chúng tôi, thời gian cũng không có lợi cho chúng tôi, thái độ của chính quyền cũng bất lợi với chúng tôi. Cơ hội là rất nhỏ, nhưng một tia hy vọng nhỏ nhoi vẫn tốt hơn là hoàn toàn không có cơ may nào", Thanathorn nói với Reuters.

Bầu cử bị trì hoãn

Đảng Hướng đến tương lai của Thanathorn thành lập sau khi chính quyền quân sự Thái Lan khởi động quá trình đăng ký các đảng tham gia kỳ tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 2019, sau nhiều lần bị trì hoãn từ năm này qua năm khác. Liệu đảng của Thanathorn có được phép đứng ra tranh cử hay không hiện vẫn còn là dấu hỏi.

Giới chuyên gia nước ngoài nhận định thành công trên chính trường Thái phụ thuộc không nhỏ vào khả năng qua lại với lãnh đạo quân đội cũng như phe bảo hoàng.

"Ở Pháp, chẳng có chính quyền quân sự nào ngăn Macron đứng ra thành lập đảng Tiến bước cả", Joshua Kurlantzick, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ quốc tế trụ sở Mỹ, nhận định.

chinh truong thai lan khong co cho cho nguoi tre

Chính quyền quân sự nắm quyền tại Thái Lan từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Ảnh: AFP.

Phát ngôn viên chính quyền quân sự Piyaphong Klinphan cho biết việc đăng ký các đảng tham gia tổng tuyển cử thuộc thẩm quyền của Ủy ban Bầu cử quốc gia, tuy nhiên, chính quyền sẽ thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm không ai có thể phá hoại an ninh hay vi phạm luật pháp.

Tỷ phú Thanathorn sử dụng màu da cam làm biểu trưng cho đảng non trẻ của ông. Dẫu vị tỷ phú khẳng định đây chỉ là sự tình cờ, nhiều người vẫn liên tưởng màu da cam của đảng Hướng đến tương lai tới sự trung hòa giữa màu vàng của phe bảo hoàng và màu đỏ của phe ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Năm 2001, Thaksin Shinawatra, một vị tỷ phú giống với Thanathorn, giành chiến thắng chấn động chính trường Thái bằng chính sách dân túy, có được sự ủng hộ rộng rãi từ nông dân và người nghèo chủ yếu sống tại vùng Đông Bắc Thái Lan. Những người ủng hộ ông Thaksin khoác lên mình màu áo đỏ.

Trong khi đó, phe áo vàng đại diện cho giới trung lưu và giàu có tại thủ đô Bangkok và các khu vực phía Nam, ủng hộ quân đội và chế độ quân chủ.

"Chúng tôi cần thuyết phục tất cả mọi người từ mọi phe phái quay trở lại và đặt niềm tin vào nền dân chủ đại nghị", Thanathorn nói.

Chính sách mà Thanathorn hứa hẹn đó là bãi bỏ hoặc hạn chế sự quản lý của chính quyền đối với công việc kinh doanh, chính sách mà chính quyền quân sự áp dụng để ngăn cản sự công việc làm ăn của Thaksin và các đồng minh thân tín.

Theo Reuters, vị tỷ phú 39 tuổi có một người bác từng giữ chức bộ trưởng Giao thông trong chính quyền của cựu thủ tướng Thaksin. Các chính trị gia ủng hộ Thaksin cũng cho thấy sự chào đón dành cho Thanathorn lớn hơn so với phe bảo hoàng.

Mặc dù vậy, Thanathorn tuyên bố ông không có chung con đường dân túy với Thaksin, vị cựu thủ tướng bị phế truất từ năm 2006 nhưng nay vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường Thái Lan. Thực tế, đảng Hướng đến tương lại của vị tỷ phú cũng chưa xây dựng được các cơ sở quần chúng để giành sự ủng hộ từ tầng lớp dân nghèo như cách ông Thaksin đã làm được năm 2001.

Tại một trụ sở của phong trào áo đỏ ở Bangkok, cách không xa nơi Thanathorn đặt trụ sở đảng của mình, hầu hết người dân cho biết chưa từng nghe tới Thanathorn và đảng Hướng đến tương lai. Những người này nói sẽ trung thành với đảng Pheu Thai, đảng từng đưa cả Thaksin và em gái Yingluck lên vị trí thủ tướng Thái Lan.

"Tôi và tất cả bạn bè sẽ bỏ phiếu cho đảng Pheu Thai. Tôi không muốn một tay trẻ măng lên làm lãnh đạo đất nước", một người "áo đỏ" 58 tuổi trả lời Reuters.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.