"Chợ đen" ngoại tệ Hà Tĩnh: “Thỏa sức mua, thừa sức bán”

(Baohatinh.vn) - Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có hệ thống ngân hàng là được phép kinh doanh ngoại tệ. Thế nhưng, đô la Mỹ, baht Thái Lan… vẫn “thỏa sức mua, thừa sức bán” như một món hàng bình thường trên thị trường "chợ đen" tại TP Hà Tĩnh.

Thông tin anh thợ điện Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ đổi 100 USD ở điểm không được phép thu đổi ngoại tệ bị phạt 90 triệu đồng, doanh nghiệp thu đổi cũng bị phạt 295 triệu đồng đang xôn dư luận. Thế nhưng, dường như không hề có sự lo lắng, tình trạng giao dịch ngoại tệ tại thị trường tự do ở TP Hà Tĩnh ngày 25, 26/10 vẫn khá sôi động.

“Chợ đen” ngoại tệ Hà Tĩnh: “Thỏa sức mua, thừa sức bán”

Ngoại tệ vẫn "cần là mua, thiếu thì bán" thoải mái tại thị trường tự do

Có mặt tại một vài tiệm vàng trên đường Nguyễn Công Trứ, chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán ngoại tệ khá nhộn nhịp. Ngoài lượng khách đến mua bán nữ trang vàng bạc thì lượng khách đến thực hiện giao dịch ngoại tệ các loại cũng không hề thua kém. Nhanh tay luồn qua ô nhỏ của vách kính khu thu ngân, một nữ khách hàng bỏ ra số tiền hơn 2 triệu đồng để mua tiền baht (Thái Lan), chừng 3 phút sau người phụ nữ phía bên trong trao lại cho khách hàng 3.000 baht cùng ghi chú giá 717 đồng/baht. Chỉ chờ giao dịch trước mình hoàn thành, một người đàn ông khác nhanh chóng hỏi tỷ giá USD thì được nhân viên tiệm vàng báo giá mua vào hơn 23.400 đồng/USD…

Chị Huyền Trang, một tiểu thương tự do ở Cẩm Xuyên cho biết: Vì kinh doanh hàng Thái Lan, Singapore, Malaysia… nên chị thường xuyên phải đổi ngoại tệ. Thói quen của chị Trang cũng như nhiều người khác chính là đổi tiền ngay tại các tiệm vàng. "Tôi thường mua ngoại tệ ở các tiệm vàng vì không phải trình bất cứ loại giấy tờ gì như chứng minh thư, hộ chiếu… Hơn nữa, lúc cần gấp ngoài giờ hành chính thì các tiệm này linh động hơn mà giá lại thấp hơn ngân hàng. Như đầu tháng 10, tôi vẫn mua cả nghìn USD để phục vụ chi tiêu trong chuyến đi du lịch nước ngoài nhưng chưa hề hay biết về việc sẽ bị xử phạt cao như vậy” - Chị Trang cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Khanh (Lộc Hà) chia sẻ: “Tôi có mấy đứa con lao động tại Thái Lan. Có mấy lần các con nhờ bạn bè gửi tiền bath Thái về cho bố mẹ nên tôi đến các tiệm vàng để đổi tiền Việt. Thật tình, lâu nay bà con không hề biết các quy định pháp luật về mua, bán ngoại tệ. Chỉ biết rằng, mình có nhu cầu đổi tiền thì họ cung cấp, đơn giản, tiện lợi…”

Không chỉ riêng chị Huyền Trang, ông Khanh, dường như rất nhiều người vẫn đang mua, bán ngoại tệ tại thị trường tự do mà không biết rằng đây là giao dịch không được phép, khi bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng và tịch thu số ngoại tệ này.

Khảo sát nhanh một số khách hàng thường có nhu cầu mua bán, trao đổi ngoại tệ, gần như đại đa số đều không biết có quy định này, số ít mới nghe về vụ xử phạt ở Cần Thơ nhưng vẫn “mù tịt” thông tin pháp lý.

Theo Trưởng phòng Tổng hợp nhân sự và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Huệ: "Việc mua, bán ngoại tệ căn cứ trên Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005, Thông tư số 20/2011 của Ngân hàng nhà nước (NHNN), Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ… Theo đó, đến nay, Hà Tĩnh chỉ có hệ thống các ngân hàng là được phép hoạt động mua, bán ngoại tệ. Hiện có một số ngân hàng trên địa bàn có hoạt động ngoại tệ khá tốt như Vietcombank, ACB…”

“Chợ đen” ngoại tệ Hà Tĩnh: “Thỏa sức mua, thừa sức bán”

ACB là đơn vị có hoạt động kiều hối khá sôi động. Được biết, hiện nay, việc mua bán ngoại tệ tại ngân hàng khá nhanh gọn, an toàn

Được biết, doanh số mua bán ngoại tệ qua ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh trong 9 tháng đầu năm đạt gần 290 triệu USD nhưng chỉ có 2 - 3% là giao dịch cá nhân nhỏ lẻ. Hoạt động ngoại tệ của Ngân hàng ACB cũng khá sôi động nhưng chủ yếu ở mảng chi trả kiều hối với hơn 13 triệu USD.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một cán bộ ngân hàng cho biết: Đa phần người dân không biết các quy định Nhà nước về mua, bán ngoại tệ. Họ thực hiện các giao dịch chủ yếu vì thói quen, sự tiện lợi, ngại thủ tục giấy tờ khi đến các ngân hàng và giá mua, bán có lợi chút ít. Tuy nhiên, hiện nay, việc giao dịch ngoại tệ tại các ngân hàng cũng khá đơn giản trong khi độ an toàn cao, đúng quy định pháp luật. Nên, người dân cần sáng suốt lựa chọn các đơn vị được cấp phép để thực hiện, tránh trường hợp bị phát hiện và xử phạt nặng như luật quy định.

Nếu như phía người dân không rõ về quy định Nhà nước, thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngoại tệ chắc hẳn sẽ biết luật nhưng... cố tình “lờ” đi để kinh doanh ngoài vòng pháp luật. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện giao dịch ngoại tệ tại các đơn vị được cấp phép thì cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, xử phạt nghiêm đối với các điểm kinh doanh ngoại tệ trái phép.

Quy định về mua – bán ngoại tệ trái phép được nêu rõ tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định này quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật còn chịu mức phạt lên tới 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.