Bây giờ, khi đã sống cách cái ngày đầu tiên được ăn tết Độc lập cùng bà nội hàng mấy chục năm, tôi vẫn không thể nào quên không khí bà soạn mâm cỗ dâng lên ban thờ trong ngày 2/9. Bà nói, hôm nay, chúng ta ăn tết Độc lập. Thuở còn non nớt ấy, tôi không màng cắt nghĩa thế nào là độc lập mà chỉ cảm nhận được đó là một ngày rất thiêng liêng. Đến nỗi, nhà tôi dù nghèo thế nào, bà cũng dành dụm, sắm sửa một mâm cỗ thật tươm tất để dâng lên ban thờ có ảnh Bác Hồ, có bài vị của các cụ tổ. Sau khi hương tàn, bà sẽ khấn xin lộc để đãi con cháu và không quên cám ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khai sinh ra tết Độc lập cho dân tộc.
Tôi nhớ, xen trong những tất bật chuẩn bị của bà là niềm náo nức của bầy trẻ. Chúng tôi hỏi bà bao nhiêu câu hỏi xung quanh ngày tết đặc biệt này. Bà tôi, một người phụ nữ chân quê, vậy mà không hiểu sao lại có nhiều kiến thức đến thế, để có thể trả lời thật nhiều câu hỏi về ngày tết Độc lập. Và bao giờ cũng vậy, sau khi đã trả lời thỏa thê cho lũ trẻ, bà cũng dặn dò các cháu của mình về lòng yêu nước, về trách nhiệm phải góp phần giữ gìn nền độc lập. Bà rằng, bố các cháu đã phải vào sinh ra tử trên chiến trường để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì sau này các cháu lớn lên phải gắng công học tập để dựng xây đất nước.
Sau này, trong lần đầu tiên đến trường, đưa tay chào cờ và hát Quốc ca, ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay kiêu hãnh trong nắng ấm mùa thu, tôi mới càng thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của ngày độc lập. Đó là buổi sáng mùa thu nắng vàng như mật, trong ngôi trường xây bằng đá ong không có cửa sổ, lũ học trò lớp 1 chúng tôi trong trang phục đẹp nhất, nghiêm trang tiến hành các nghi thức khai giảng. Khi cả sân trường trầm hùng trong tiếng Quốc ca, tôi lại nhớ lời bà dặn. Mỗi lời dạy của bà đều mộc mạc, gần gũi mà hôm ấy tôi bỗng thấy thật cao cả. Tôi vẫn chưa cắt nghĩa thật đầy đủ chữ độc lập nhưng nội dung của bài Quốc ca đã khiến tôi hiểu rằng, đó là điều quý giá nhất của một quốc gia. Và chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ nó, làm cho nó trở nên ý nghĩa hơn.
Khi bố tôi từ chiến trường trở về, có đôi lần tôi hỏi bố về cách hiểu đầy đủ nhất của từ độc lập. Bố cắt nghĩa cho tôi và kể thật nhiều câu chuyện về nền độc lập của các dân tộc trên thế giới. Rồi bố nói, độc lập giống như việc con đi học, con tự làm bài; độc lập giống như khi ta có thể tự làm ra hạt lúa, củ khoai để ăn, giống như khi con có thể kiếm ra tiền tự nuôi sống bản thân… Rồi bố chỉ cho tôi bản đồ đất nước trên quả địa cầu và nhắc lại lời Bác Hồ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Bố nói, độc lập sẽ mở ra tự do và hạnh phúc. Tôi hiểu, bố muốn dạy tôi thật nhiều điều, rằng không chỉ có độc lập, mà mỗi một công dân Việt Nam cần phải có trách nhiệm gìn giữ nền độc lập ấy, khẳng định nền độc lập ấy, làm cho nền độc lập ấy mở ra những chân trời tự do, hạnh phúc.
Từ mùa thu năm 1945, sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, cả dân tộc Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên mới, đầy ánh sáng của tự do, hạnh phúc. Nhưng để có được điều đó, lớp lớp cha ông đã phải đánh đổi bằng máu xương và hạnh phúc riêng tư. Và giờ đây, các thế hệ công dân Việt Nam cũng đang ra sức duy trì nền độc lập ấy bằng những đóng góp, cống hiến không ngừng. Đó là những người nông dân cần cù, sáng tạo, làm cho ruộng đồng quanh năm tươi tốt; đó là những người công nhân giàu lòng yêu lao động, không ngừng học hỏi, đề xuất nhiều giải pháp cải tiến sản xuất; đó là những em học sinh đang ra sức học tập để ghi tên trên bảng vàng quốc tế, góp phần đưa nền giáo dục hội nhập với năm châu; đó là những chiến sĩ vì nước quên thân, vì dân phục vụ, ngày đêm canh giữ biển trời, đấu tranh với các thế lực thù địch; đó là những vị lãnh đạo tài ba, vì Nhân dân quên mình, hy sinh niềm riêng để tìm ra hướng đi đúng đắn cho dân tộc…
Hôm nay, khi suy nghĩ về mùa thu độc lập của đất nước, tôi nhớ lại niềm tự hào của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhận định này đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội. Ai cũng hiểu rằng đó là thành tựu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sau những nỗ lực bền bỉ qua nhiều giai đoạn cách mạng. Ai cũng hiểu rằng, đó là thành tựu của đường lối đúng đắn về phát triển KT-XH, QP-AN, ngoại giao… Và ai cũng hiểu rằng, đó là khi những giá trị của độc lập nở hoa kết trái.
Thật tình cờ khi giữa những ngày mùa thu độc lập, tôi có dịp đi qua nhiều tỉnh, thành. Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên dặm dài đất nước, nghe những câu chuyện chiến đấu chống giặc oai hùng của cha ông, cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình của đất nước trên khắp nẻo quê hương, lòng tự hào về lịch sử đất nước lại càng mở rộng biên độ, tôi càng trân trọng hơn giá trị của độc lập. Vẫn còn đó biết bao nhiệm vụ cần các thế hệ chung tay hoàn thành. Vẫn còn đó bao khát vọng dựng xây, nâng cao tiềm lực của đất nước trên trường quốc tế cần sự góp sức của các thế hệ công dân… Chắc hẳn, những thanh âm của mùa thu độc lập sẽ dội vào tâm thức của mỗi người để bật lên những giai điệu mới, thôi thúc con người nâng cao trách nhiệm dựng xây và phát triển đất nước.
Trong cảm thức về ngày độc lập, tôi cũng rưng rưng khi nghĩ về những thành quả của quê hương mình. Trên khúc ruột miền Trung đầy nắng gió này, mỗi ngày, người quê tôi đều đang nỗ lực hết mình để góp phần dựng xây đất nước. Để mỗi một mùa thu độc lập trở về, quê hương chúng tôi lại tự hào báo công với Bác, với các thế hệ cha ông về thành quả mới trên hành trình phát triển. Đó là niềm vui từ những công trường dự án lớn; là quả ngọt từ các đấu trường quốc tế trên lĩnh vực giáo dục, thể dục thể thao; là những chiến công lẫy lừng trên mặt trận phòng chống tội phạm; là những cống hiến lặng thầm trong việc giữ gìn và bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống…
Những buổi sáng mùa thu độc lập, đi dưới cờ hoa tươi thắm, lòng tôi lại vang vọng lời Bác Hồ trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Và, tôi lại nghe reo lên đâu đây trong nắng ấm mùa thu những vần thơ đầy hào khí của Tố Hữu: “Việt Nam, ta gọi tên mình/ Hạnh phúc nào hơn được tái sinh/ Mát dạ ông cha nghìn thuở trước/ Cho đời hai tiếng mới quang vinh…” (Theo chân Bác).