Chợ facebook Hà Tĩnh nhộn nhịp những ngày cách ly xã hội

(Baohatinh.vn) - Thực hiện các chỉ thị Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn ở Hà Tĩnh đều đồng loạt đóng cửa, người dân cũng hạn chế ra đường. Trái ngược với sự vắng vẻ ngoài phố, “chợ online" lại nhộn nhịp, sôi động hơn hẳn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Chợ online nhộn nhịp hơn trong những ngày cách ly xã hội

Dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chuyển từ mua hàng trực tiếp sang kênh mua sắm online nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là từ sau khi có quy định giãn cách xã hội.

Những ngày này, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê đóng cửa, phố xá vắng vẻ, nhưng các “cửa hàng online” vẫn hoạt động nhộn nhịp.

Lượn một vòng quanh “chợ facebook”, người tiêu dùng dễ dàng mua được từ đồ ăn vặt, các loại bánh trái, hoa quả đến thực phẩm tươi sống phục vụ bữa cơm gia đình.

Người tiêu dùng đặt hàng qua Fanpage siêu thị thay vì đi mua trực tiếp

Một số chủ tài khoản facebook chuyên bán thực phẩm cho biết, những ngày này, lượng khách đặt hàng tăng nhiều hơn so với trước. Trang fanpage của các siêu thị cũng nhận được nhiều đơn hàng online từ khách.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh (xã Hộ Độ, Lộc Hà) – chủ một tài khoản chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống, hơn chục ngày qua, khách đặt hàng online tăng gấp đôi so với trước.

“Khách đa phần là những người làm văn phòng, đợt này đang được nghỉ làm việc luân phiên để chống dịch nên họ đặt hàng giao tới tận nhà. Trước đây tôi bán chủ yếu là khách quen, nhưng đợt này có thêm nhiều khách mới” - chị Thanh cho hay.

Khách hàng đi chợ... tại chỗ

“Giờ hàng quán không mở, nhiều người làm việc tại nhà, ít ra đường nên hầu hết nhà nào cũng tự nấu ăn. Đợt này, tôi cũng bán thêm nhiều loại rau khác nhau để khách dễ lựa chọn và cũng là để giữ mối sau này. Thường buổi tối hôm trước tôi sẽ đăng thông tin ngày mai có những món gì rồi khách vào đặt hàng và sáng ra đi giao hàng cho khách.

So với trước, lượng khách trong 2 tuần qua tăng lên khoảng 50%", chị Thùy Trang - chuyên bán rau củ quê online trên Facebook chia sẻ.

Từ thực phẩm đến các món đồ ăn vặt đều được bán trên “chợ online”

Không chỉ là những người đã kinh doanh online chuyên nghiệp, trong những ngày qua cũng xuất hiện những “tiểu thương” mới nổi với sản phẩm kinh doanh là các loại thực phẩm chế biến sẵn như các món bánh, đồ ăn vặt tự làm.

Bạn Hà Vy (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Ban đầu mình làm bánh ngào để ăn, chụp hình facebook khoe mọi người. Sau đó, nhiều người bình luận khuyên nên làm bán. Mình đang được nghỉ học ở nhà nên khá rảnh rỗi, thế là mình gom đơn, những ai có nhu cầu rồi làm và giao cho khách”.

Đóng quầy ăn uống, tiểu thương đẩy mạnh bán hàng qua kênh online

Chị Phan Thị Mai (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: "Tôi ít khi mua hàng online, nhất là thực phẩm, vì tự tay mình lựa chọn con cá, bó rau vẫn cảm thấy an tâm hơn. Thế nhưng nay dịch bệnh lan rộng, hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là đi chợ nên những ngày qua, tôi hỏi bạn bè để tìm các mối đặt thực phẩm đảm bảo chất lượng”.

Cũng để tránh đi ra ngoài nhiều, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) đặt mua các đồ dùng sinh hoạt trong nhà tại siêu thị, còn rau xanh, thịt, cá chị mua từ một cửa hàng bán thực phẩm trên đường Phan Đình Giót.

Chị Thủy chia sẻ: “Trước đây đi làm về tôi thường ghé qua chọn mua ở chợ Vườn Ươm nhưng đợt này tôi thường lên trang facebook xem ngày hôm đó có gì rồi đặt mua, cửa hàng ship tới tận nhà. Mua online nhưng mình biết cửa hàng nên cũng yên tâm, nếu hàng hóa có vấn đề gì vẫn phản ánh lại được”.

Đa phần người tiêu dùng chọn mua online ở những mối quen từ trước

Mặc dù mua sắm online có nhiều tiện lợi, thế nhưng hình thức này cũng có hạn chế là không thể trực tiếp xem, thử chất lượng sản phẩm… Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn những trang bán hàng uy tín, người quen để đảm bảo chất lượng, an toàn trong phòng dịch qua khâu giao hàng.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói