Chờ “liều thuốc” hữu hiệu trị vấn nạn “xe dù, bến cóc” ở Hà Tĩnh!

(Baohatinh.vn) - Việc xây dựng điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn nạn “xe dù, bến cóc” ở Hà Tĩnh. Tuy vậy, sau nhiều năm, 220 điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể triển khai.

Vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Những năm gần đây, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì số lượng doanh nghiệp và phương tiện vận tải hành khách đường dài vì thế cũng tăng lên.

Chỉ tính riêng ở Hà Tĩnh, hiện có 75 đơn vị kinh doanh vận tải khách với tổng cộng 1.256 phương tiện; trong đó, 18 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với 192 đầu xe. Từ đầu năm tới hết tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh có 30.569 lượt xe khách xuất bến với 398.977 lượt hành khách.

Khu vực trước cây xăng Petrolimex số 69 đoạn gần ngã tư Thạch Long (huyện Thạch Hà) thời gian qua trở thành “bến cóc” cho xe khách đường dài đón, trả khách. Ảnh chụp chiều 17/12.

Nhìn chung, các đơn vị kinh doanh vận tải khách nói chung và vận tải khách tuyến cố định nói riêng đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, qua công tác tuần tra, kiểm tra của lực lượng chức năng (Thanh tra Giao thông, CSGT), vẫn còn khá nhiều đơn vị, lái xe vi phạm quy định trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, tình trạng các nhà xe đón, trả khách không đúng quy định diễn ra thường xuyên.

Thanh tra Sở GTVT tăng cường tuần tra, xử lý phương tiện dừng, đỗ để đón, trả khách sai quy định.

Theo quy định, hành khách khi mua vé có thể sử dụng nhiều cách, như vào bến, tới điểm bán vé, liên hệ qua điện thoại, vào webiste của đơn vị vận tải; còn với nhà xe khi đón, trả khách bắt buộc phải vào bến xe hoặc các địa điểm được ngành chức năng chấp thuận.

Tuy nhiên, thực tế hiện trên địa bàn Hà Tĩnh, xe khách đường dài trong tỉnh và ngoại tỉnh vẫn đón, trả khách sai quy định. Từ các điểm bán vé hay các ngã ba, ngã tư, gầm cầu vượt hoặc bất kỳ địa điểm nào mà nhà xe hay hành khách thấy thuận tiện trong việc lên, xuống xe đều có thể trở thành “bến cóc”.

“Xe dù, bến cóc” hoạt động không chỉ gây mất trật tự ATGT, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông mà còn gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô ở Hà Tĩnh.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh, quốc lộ 1 đoạn qua khu vực ngã ba Giang (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) sẽ có 2 điểm đón, trả khách tuyến cố định nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng.

Với mật độ phương tiện cao, nhu cầu đi lại lớn, việc quy hoạch, xây dựng các điểm đón, trả khách tuyến cố định trở thành nhu cầu bức thiết. Trước thực tế này, UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố các điểm đón, trả khách tuyến cố định trên các tuyến giao thông trên địa bàn.

Theo Quyết định số 2746/QĐ-UBND ngày 15/7/2015 và Quyết định số 1708/QĐ-UBND ngày 7/4/2021 thì trên địa bàn Hà Tĩnh có tổng cộng 220 điểm đón, trả khách tuyến cố định.

Tình trạng đón, trả khách sai quy định không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông mà còn dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải hành khách.

Cùng với các biện pháp tăng cường tuần tra xử lý vi phạm, cắm biển cấm dừng đỗ thì việc UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng các điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định được kỳ vọng sẽ là một “liều thuốc” hữu hiệu để “trị” vấn nạn “xe dù, bến cóc”.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Báo Hà Tĩnh, hiện nay, ngoài các điểm bến xe, tất cả 220 điểm đón, trả khách tuyến cố định vẫn chưa được triển khai xây dựng. Đây là một trong những lý do dẫn tới việc các nhà xe đường dài còn dừng, đỗ đón, trả khách tùy tiện, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Xe khách đường dài dừng đón, trả khách sai quy định ở khu vực gầm cầu vượt TP Hà Tĩnh gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ảnh chụp chiều 17/12.

“Không phải hành khách nào cũng vào bến mua vé rồi chờ xe tới, họ tiện ở đâu gọi xe tới điểm đó đón. Hiện nay, các nhà xe phải cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ, vì vậy, phải đáp ứng yêu cầu của hành khách mới mong hoạt động lâu dài được. Việc đón, trả khách sai quy định nhà xe sẽ bị phạt nhưng không làm thì lại mất khách. Đây cũng là cái khó với các nhà xe" - ông Bùi Văn Viện - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện cho hay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh - Trần Quốc Toản, trên các tuyến đường chỉ mới có các điểm đón, trả khách dành cho xe buýt, còn với xe tuyến cố định thì tới nay vẫn không có. Các ngành chức năng cần sớm có phương án triển khai xây dựng các điểm đón, trả khách tuyến cố định để đảm bảo trật tự ATGT, góp phần giảm thiểu tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Có khá ít hành khách tới tận bến xe Hà Tĩnh để lên xe mà đứng dọc đường để chờ xe tới đón.

Ông Nguyễn Quang Sơn - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) cũng cho rằng, việc UBND tỉnh quy hoạch điểm đón, trả khách tuyến cố định trên các tuyến giao thông là phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp vận tải và hành khách. Theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT, điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định chỉ được bố trí tại các vị trí đảm bảo ATGT, thuận tiện cho hành khách lên, xuống xe; có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường; cắm biển chỉ dẫn áp dụng cho tuyến cố định theo quy định…

Tuyến tỉnh lộ 550 đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà cũng nằm trong quy hoạch các điểm đón, trả khách tuyến cố định của UBND tỉnh.

Lý giải về việc tới nay Hà Tĩnh vẫn chưa thể triển khai xây dựng được các điểm đón, trả khách tuyến cố định, ông Nguyễn Quang Sơn nói rằng, cùng với khó khăn trong nguồn vốn thực hiện thì việc lựa chọn các vị trí phải đảm bảo ATGT, thuận tiện cho hành khách lên, xuống xe và có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường không phải là điều dễ dàng, nhất là số lượng vị trí quy hoạch phần lớn nằm trên quốc lộ, thuộc quản lý của Cục Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam).

Theo ông Nguyễn Quang Sơn, tới đây, Sở GTVT sẽ đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn và phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, triển khai việc xây dựng các điểm đón, trả khách tuyến cố định phù hợp thực tế từng tuyến giao thông.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói