Một số giải pháp khắc phục đơn giản gia chủ có thể tham khảo.
Khi trời nồm ẩm, gạch đá hoa “đổ mồ hôi”, chỗ nào cũng có hơi nước bám vào. Ảnh minh họa: Phan Dương
Làm giảm độ ẩm trong nhà
Khi độ ẩm ngoài trời lớn hơn độ ẩm trong nhà, bạn nên đóng kín các cửa. Nếu thấy trời nắng hay có gió đông bắc, hãy mở cửa ra để không khí ẩm thoát ra ngoài.
Nếu độ ẩm trong nhà cao tới mức bão hòa, gây “đổ mồ hôi”, nước chảy trên tường, đọng trên sàn nên dùng giẻ khô lau. Bật điều hòa ở chế độ hút ẩm (dry), sử dụng máy sấy, lò sưởi, máy hút ẩm nếu có để làm giảm độ ẩm. Máy hút ẩm có hiệu quả nhất. Hiện tại trên thị trường có nhiều loại máy hút ẩm có giá dao động từ một triệu đến vài triệu đồng tùy thương hiệu và công suất.
Có thể dùng một số vật liệu đơn giản và dễ kiếm như than củi, vôi sống để hút ẩm.
Thắp nến trong nhà cũng là một giải pháp làm giảm độ ẩm, ngoài ra còn có tác dụng khử mùi hôi.
Chống ẩm mốc và xử lý nấm mốc
Để chống ẩm mốc và xử lý nấm mốc, tùy từng đối tượng có những cách làm khác nhau.
Đối với quần áo: Không nên phơi lâu ngoài trời sau khi giặt, vì càng phơi lâu càng ẩm. Chỉ nên phơi vừa đủ se bề mặt rồi dùng máy để sấy. Có hai loại máy sấy: Một loại giống như máy giặt dùng để sấy quần áo sau khi giặt; một loại để sấy quần áo sau khi phơi. Loại thứ hai bán rất sẵn trên thị trường với giá vài trăm nghìn mỗi chiếc, vừa túi tiền lại dễ sử dụng. Nếu máy giặt có chức năng sấy thì giặt rồi sấy luôn. Đối với quần áo trong tủ, nên đặt vào các hộp chống ẩm nhằm chống ẩm mốc.
Đối với thực phẩm, thức ăn: Không để bên ngoài vì thức ăn là nơi nấm mốc rất dễ phát triển. Khi chế biến hay dùng (ăn) xong, nên cất vào tủ lạnh.
Đối với đồ dùng nhà bếp: Sau khi rửa nên tráng bằng nước nóng để diệt khuẩn. Nếu có máy rửa bát (có chức năng rửa nước nóng) hay máy sấy bát thì càng tốt.
Đối với đồ điện tử: Nên sử dụng thường xuyên hoặc để chế độ chờ (stand by), không tắt hoàn toàn vì độ ẩm có thể ảnh hưởng gây hỏng các mạch điện tử. Các đồ điện tử nhỏ như máy ảnh, điện thoại, tablet nếu không sử dụng thường xuyên hãy cho vào hộp/tủ chống ẩm.
Thường xuyên quan sát những nơi, chỗ dễ có nấm mốc phát triển để ngăn ngừa kịp thời như chân tường, tủ quần áo, gầm tủ bếp, bề mặt sofa vải...
Nếu đã có nấm mốc xuất hiện, có thể xử lý bằng cách đơn giản sau: Lau rửa, xịt bề mặt bị nấm mốc bằng các loại dung dịch có khả năng tiêu diệt nấm mốc và kháng khuẩn như nước javen, giấm, baking soda... Ngoài ra có thể sử dụng thuốc tẩy nấm mốc chuyên dụng dạng bình xịt, trên thị trường có giá từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng, tùy loại.