Ông Lê Đình Trợi (1904-1983), ngoài cùng bên phải, nguyên là lão thành cách mạng của xã Mai Phụ (Lộc Hà). Ảnh chụp năm 1960 (do gia đình cung cấp).
“Lỡ may tôi bị bắt thì nhờ ông bảo vệ cô ấy và gia đình nhà ngoại. Nếu sau này tôi còn sống mà ông và bà ấy có con với nhau thì chúng ta làm một gia đình hai cha một mẹ”.
Đó là lời nhắn nhủ của ông Lê Đình Trợi (xã Mai Phụ, Lộc Hà) khi đang là chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật vào năm 1930 với ông Nguyễn Hồng (xã Đức Tân cũ, sau này sáp nhập với xã Đức Trường thành xã Trường Sơn, Đức Thọ hiện nay) - một lính khố xanh làm việc cho Pháp ở đồn Giếng Chua, Phù Lưu Thượng (nay là xã Hồng Lộc, Lộc Hà).
Cây đa hàng trăm tuổi trước ngõ nhà bà Hoan, cạnh đồn Giếng Chua của Pháp trước 1945
Tưởng là lời nói đùa và không thể nào xẩy ra khi hai người lính lại ở hai chiến tuyến, hóa ra đã thành sự thật khi vào năm 1931, ông Lê Đình Trợi bị bắt.
Ông Trợi bị địch kết án chung thân và đày giam tại nhà tù Buôn Mê Thuột.
Để bảo vệ bà Hồ Thị Hoan và gia đình bà (một gia đình có 4 người hoạt động cách mạng bí mật, trong đó 2 người là cha và em trai đã bị bắt), ông Hồng đã xin cưới bà Hoan.
Bà Hoan phải lựa chọn hoặc là lấy ông Hồng để cứu cha và bảo vệ con trai, hoặc sẽ sa vào tay giặc. Cuối cùng, bà chấp nhận.
Sau khi lấy ông Trợi, bà Nguyễn Thị Hồng (91 tuổi, Mai Phụ, Lộc Hà) đổi tên thành Thêm với ý nghĩa là vợ sau.
Đúng như dự tính của ông Lê Đình Trợi, nhờ “gửi gắm” vợ mình cho ông Hồng, sau đó không lâu ông Hồ Đôi (cha của bà Hoan) được thực dân Pháp thả khỏi nhà giam thành phố Vinh và bà Hoan không bị địch truy cứu.
Bà Hoan và ông Hồng có với nhau 2 người con là Nguyễn Thị Thiện (1932) và Nguyễn Thị Lương (1937).
Về phía ông Lê Đình Trợi, 15 năm không hề có tin tức.
Tháng 10/1945, ông Nguyễn Hồng (trước đó đã được điều ra Thanh Hóa) dắt díu vợ con về quê vợ thì cũng là lúc ông Lê Đình Trợi được giải phóng khỏi nhà tù.
Cả ba người rơi vào hoàn cảnh khó xử. Hai người đàn ông, một người phụ nữ trong một gia đình.
Bà Thêm (ở giữa, vợ sau của ông Lê Đình Trợi) cùng con gái bà Hoan (bên trái) và cô con gái ruột của mình.
Lúc này, đứa con trai giữa ông Trợi và bà Hoan đã 18 tuổi đang theo người chú ruột phiêu bạt ở Thái Lan. Còn 2 đứa con gái của bà Hoan với ông Hồng cũng đã 9, 13 tuổi.
Sau độc lập năm 1945, là một cán bộ cách mạng trở về, ông Lê Đình Trợi được giao nhiều trọng trách quan trọng ở địa phương: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến năm 1946 tại xã Mai Phụ, làm công an ở huyện Thạch Hà (1948)…
Nhiệt huyết cách mạng khiến ông Trợi miệt mài cống hiến. Mãi đến năm 1956, tức là 11 năm sau ngày trở về, ông Lê Đình Trợi mới đi bước nữa với bà Nguyễn Thị Hồng (ở Mai Phụ, Lộc Hà) và sinh được 2 người: Một gái, một trai.
Nhà của ông Lê Đình Trợi hồi trước, nay ở gần UBND xã Mai Phụ (Lộc Hà)
Sau khi lấy ông Trợi, bà Hồng đổi thành bà Thêm (hiện 91 tuổi, đang sống cùng con gái tại xã Thạch Long, Thạch Hà).
Bà Thêm nhớ lại: “Lúc vừa lấy tôi xong, ông nhà tôi đưa tôi lên ra mắt bà Hoan và ông Hồng. Dù ông không nói gì nhiều nhưng tôi biết chuyện từ trước nên hiểu ông Trợi muốn tôi kết thân với bà Hoan. Sau đó, bà Hoan và ông Hồng xuống nhà chúng tôi. Từ đó hai gia đình thường xuyên qua lại thăm hỏi, quan tâm nhau như người một nhà. Tôi xem bà Hoan như chị. Hai ông ấy cũng như bạn bè thân thiết”.
Bà Thêm bên vợ chồng anh Lê Quốc Hùng (cháu nội của ông Trợi và bà Hoan) trong dịp mừng thọ 90. (Ảnh gia đình cung cấp).
Cô Lê Thị Đệ (63 tuổi, nguyên là y tá Bệnh viện Thạch Hà), con gái đầu của bà Thêm với ông Trợi kể: “Khi còn nhỏ, cha thường dẫn tôi lên nhà mẹ Hoan, cùng chơi với chị Thiện và chị Lương. Các chị ấy cũng xem tôi như em gái trong nhà. Mẹ Hoan cũng thương tôi lắm. Cho đến bây giờ các chị em tôi vẫn liên lạc thường xuyên”.
“Chính cách sống đẹp của bố mẹ cũng như mẹ Hoan và dượng Hồng là tấm gương để cô học tập và dạy dỗ con cái mình”, cô Lê Thị Đệ chia sẻ thêm.
Ông Lê Đình Trợi (1904 - 1983) được ông Hồ Phối (Huyện ủy viên, Đảng bộ Can Lộc khóa 1) giác ngộ cách mạng. Tháng 8/1930, ông Trợi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người có công gây dựng chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Mai Phụ (Lộc Hà). Năm 1931, ông bị địch bắt, kết án chung thân đày giam ở Buôn Mê Thuột. Năm 1945 trở về, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương. Ông Nguyễn Hồng (1902 – 1976) bị Pháp bắt đi lính khố xanh khi đang còn học ở thị xã Hà Tĩnh. Quá trình làm việc cho Pháp, ông luôn tìm cách bảo vệ đồng bào mình. Cũng vì thế ông Hồng và ông Trợi quen biết và kết giao bí mật với nhau. Bà Hồ Thị Hoan (1907 - 1973) con ông Hồ Đôi, mẹ mất sớm, có cha, chị gái, em trai, em gái đều tham gia hoạt động cách mạng. Người bị bắt giam cầm, kẻ bị địch sát hại. Năm 1931, bà làm Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ xã Mai Phụ. |