Núi Hồng - Sông La

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh
Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

“Mẹ Tuyết” quê ở xã Gia Phố - huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Tuổi thanh xuân, bà có mối tình sâu đậm với một chàng trai cùng quê, cả hai người đã cùng nhau đính ước trăm năm. Năm 1971, cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, gác lại niềm riêng, hai người khoác ba lô xung phong lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi người theo đơn vị của mình hành quân vào chiến trường khác nhau với lời hẹn ước hòa bình sẽ trở về tổ chức đám cưới. Cùng đồng đội xông pha từ Quảng Trị sang đến đất bạn Lào, đội dân công hỏa tuyến của bà đã góp phần vào thắng lợi của bộ đội ta trên chiến trường máu lửa.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Bộ đội hành quân vào Khe Sanh năm 1971. Ảnh tư liệu

Khi vừa hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương cũng là lúc bà đau đớn nhận được tin người yêu đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường. Lời hẹn ước không thành, hạnh phúc dang dở. Bà trở về công tác trong hợp tác xã thủ công nghiệp tại địa phương, chăm sóc cha mẹ già yếu.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Năm tháng trôi đi nhưng nỗi đau không thể nguôi ngoai để bà xây dựng hạnh phúc riêng cho mình. Mang theo ước mơ về mái ấm gia đình và những đứa trẻ, năm 1994, bà quyết định về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh (tiền thân của Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh) ngày nay.“Từ đó đến nay đã gần 30 năm, nơi đây trở thành gia đình, là nơi gắn bó máu thịt với tôi” - bà Tuyết chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào trung tâm, làm quen với công việc chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, tật nguyền, “mẹ Tuyết” không khỏi bồi hồi những cảm xúc khó quên. Bà cho biết: “Ngày đó, trung tâm còn bộn bề khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, trẻ thì đông, kinh phí hoạt động hạn chế. Nuôi dạy những đứa trẻ bình thường đã vất vả, với những đứa trẻ mồ côi, tật nguyền trong điều kiện khó khăn đó càng cơ cực hơn”.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Ngày đó, trung tâm có 5 bảo mẫu chăm sóc nuôi dạy 50 cháu, hầu hết đều gặp các vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý như suy dinh dưỡng, khuyết tật vận động, câm điếc, tự kỷ... Những bảo mẫu khác có gia đình, khi công việc trong ngày đã hoàn tất, họ lại trở về với mái ấm của mình. Duy chỉ có “mẹ Tuyết” là ở lại trung tâm cùng ăn, cùng ngủ với các con. Cũng chính vì thế mà những đứa trẻ càng trở nên thân thiết, quyến luyến bà và như một lẽ tự nhiên; bà coi chúng không khác gì những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.

Không ít đứa trẻ trước khi vào làng đã quen với môi trường sống ở ngoài xã hội, phải mất khá nhiều thời gian các em mới hòa nhập và quên đi nỗi mặc cảm thân phận thiệt thòi. Mẹ phải vừa là bảo mẫu, vừa làm bạn, vừa làm người thân của các con. Sự thấu cảm và tình yêu thương đã giúp các con tìm lại chính mình và cố gắng vươn lên.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Nhưng có lẽ, khó nhọc nhất vẫn là công việc nuôi nấng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Bà kể: “Ngày đầu được giao nhiệm vụ ở tổ chăm sóc trẻ sơ sinh, tôi không khỏi lo lắng vì bản thân chưa từng sinh nở, chưa có kinh nghiệm. Nhưng rồi như có sợi dây tình cảm, bản năng làm mẹ tự nhiên, tôi thành thạo công việc đó mà không cần ai hướng dẫn cả”. Bà cũng không còn nhớ bao đêm phải thức trắng để chăm những em bé chỉ mới chào đời mấy ngày tuổi, còn đỏ hỏn. Có bé lọt lòng mẹ đã được đưa từ bệnh viện về, có bé bị bỏ rơi ở cổng làng với những dị tật bẩm sinh, cơ hội sống không nhiều.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

“Mẹ Tuyết” vẫn nhớ như in cảm giác sợ hãi xen lẫn xót xa khi đón cậu bé Quốc Đạt từ tay nhân viên y tế khi mẹ đẻ của bé bỏ rơi sau khi sinh ở bệnh viện. Đó là vào năm 1998, cậu bé sinh non nên cân nặng chỉ hơn 7 lạng - bé bỏng và yếu ớt đến tội nghiệp. Bà đã khóc và hoang mang không biết phải làm gì với sinh linh ấy. Thế rồi, qua nhiều ngày chăm sóc, tích cực áp dụng phương pháp “kangaru”, mẹ con ôm ấp da kề da, Quốc Đạt đã phát triển tốt và lớn lên khỏe mạnh, thông minh như bao đứa trẻ khác. Khi Đạt 2 tuổi, một người Mỹ đã làm thủ tục nhận em làm con nuôi và giờ em đã có cuộc sống ổn định ở xứ người.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

“Ở đây chúng tôi tự nhắc nhau rằng không được có khái niệm bỏ cuộc, “còn nước còn tát”, phải cố gắng cứu sống, nuôi dưỡng các con hết khả năng của mình” – “mẹ Tuyết” chia sẻ. Cũng nhờ quyết tâm và tình yêu thương vô bờ bến đó, hàng chục đứa trẻ bị bỏ rơi đã tìm được cơ hội sống, khôn lớn trưởng thành.

“Nhiều lúc nhìn ánh mắt trong veo, tiếng cười hồn nhiên của các con, tôi không khỏi xót xa. Được sinh ra trong cuộc đời nhưng lại không được cha mẹ, người thân đón nhận, chăm sóc, đó là một thiệt thòi không gì bù đắp nổi. Vì vậy, không ít lần muốn nghỉ ngơi nhưng tình thương với bọn trẻ đã níu chân tôi ở lại cho đến ngày hôm nay” – bà chia sẻ.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Năm nay, “mẹ Tuyết” đã gần 70 tuổi, sức khỏe không cho phép tiếp tục công việc chăm sóc trẻ thường xuyên, nhưng bà đã trở thành “người mẹ lớn”, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con. Với sự quan tâm của Nhà nước, ngành chức năng và các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện, làng trẻ nay cũng đã đổi khác nhiều. Cơ sở vật chất khang trang, điều kiện sống của hơn 100 cháu ở đây được đảm bảo, số lượng các mẹ cũng được tăng cường. Thế nhưng, “mẹ Tuyết” vẫn ở lại đây, bởi với bà, nơi đây là nhà, các con là gia đình.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Ánh mắt bà không giấu nổi niềm tự hào khi kể về những đứa con đã lớn lên ở làng. Hoàng Thị Băng (SN 1983 - quê Cẩm Xuyên) là một trong nhiều tấm gương mà bà vẫn thường kể cho những đứa trẻ ở làng mỗi khi giáo dục chúng về nghị lực vượt lên số phận. Băng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bản thân em ốm đau bệnh tật. Năm học lớp 2, em được làng nhận về nuôi. Yếu ớt và cô đơn, Băng sống khép mình với những người xung quanh. Năm em học lớp 10, một cú sốc nữa khiến em gục ngã khi người anh trai mà em yêu quý cũng ra đi sau một tai nạn. Chính “mẹ Tuyết” là người đã tận tâm chăm sóc, động viên để em vững vàng sau những biến cố đau thương và quyết tâm học tập thay đổi cuộc đời mình.

Không phụ công các mẹ ở làng, Băng tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế, em tiếp tục học lên thạc sỹ và hiện đang là giảng viên của một trường cao đẳng ở phía Nam. “Ngày Băng lấy chồng, đám cưới được tổ chức tại nhà trai ở Ninh Bình nhưng chúng tôi không quản đường sá xa xôi ra chung vui và để được chứng kiến giây phút con hạnh phúc” – “mẹ Tuyết” mãn nguyện chia sẻ.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Trong 30 năm gắn bó với làng, đã có hàng trăm đứa trẻ được “mẹ Tuyết” và các mẹ ở đây nuôi dưỡng, trong đó, gần 90 em đã xây dựng gia đình. Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Huy Bá, Tô Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Cẩm Ly, Bùi Thị Huyền… là những cái tên đã trở thành niềm tự hào trong cuộc đời các mẹ. Nhiều em khi học xong đại học đã quay về làng tiếp bước các mẹ chăm sóc, dạy dỗ thế hệ đàn em như một sự tri ân những nghĩa tình mà mình đã được đón nhận.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

“Dù có mái ấm hạnh phúc riêng nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về mái nhà chung, nơi có các mẹ và các em luôn đón chờ mình” - chị Nguyễn Thị Cẩm Ly (một trong những đứa trẻ ngày ấy được nuôi dưỡng, nay đã trở thành giáo viên của làng trẻ) chia sẻ.

Chuyện của người mẹ hơn 30 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Tĩnh

Ở tuổi xế chiều, “mẹ Tuyết” được các nhà hảo tâm có nhã ý xây tặng một căn nhà tình nghĩa nhưng bà từ chối. Bà nói rằng, đã gắn bó với nơi này ngần ấy năm thì những năm tháng cuối đời, bà cũng chỉ muốn được sống ở đây, vui vầy cùng tiếng cười của lũ trẻ, sẻ chia cùng những người bạn già có cùng số phận thiệt thòi. Món quà đó, bà xin nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn khác trong xã hội. “Chứng kiến nhiều cảnh đời được cứu rỗi, nhìn các con khôn lớn trưởng thành, đó là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi, giờ đây, tôi chẳng mong gì hơn nữa” – “mẹ Tuyết” xúc động chia sẻ.

Với những đóng góp trong suốt 30 năm qua, “mẹ Tuyết” đã nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.

Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Dù không còn đảm nhận công việc thường xuyên nhưng “mẹ Tuyết” vẫn là người mẹ, người chị lớn ở làng. Tuổi già, mẹ lại càng sống khiêm nhường, giản dị. Mẹ là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo, là niềm động viên để chúng tôi nỗ lực nhiều hơn nữa vì những mảnh đời kém may mắn”.

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.