Về Hà Tĩnh

Chuyện đêm ở phố
Chuyện đêm ở phố
Chuyện đêm ở phố
Chuyện đêm ở phố

Tôi tình cờ quen Ngọc trong một lần lướt trên facebook của bạn và dừng lại với thông tin tuyển sinh lớp đàn ghita mới. Giấc mơ ôm đàn ngồi hát thời thiếu nữ bỗng nhiên lại trỗi dậy mạnh mẽ trong tôi. Và, tôi quen Ngọc, trở thành học viên của cậu - chàng thanh niên ngăm đen, đeo đôi mắt kính hiền từ có giọng hát như gió thoảng, như nước trôi êm đềm mà ấm áp, mà tha thiết…

Chuyện đêm ở phố

Ngọc vốn dĩ là kỹ sư xây dựng. Ngôi trường ấy cũng là nơi nhen nhóm một niềm đam mê mới cho Ngọc – âm nhạc. Ngọc nhắc cho tôi nhớ những năm tháng sinh viên xa lắc của mình. Ký ức về những đêm trọ học dưới ký túc xá của trường Đại học xây dựng là những lần mãn thính bởi bập bùng ghita dội xuống từ những ban công loà xoà tán cây. Sinh viên xây dựng đa phần là nam và đa phần trong đó đều đam mê và học một nhạc cụ nào đó nhưng nhiều nhất vẫn là ghita. Ghita giúp họ thăng hoa hơn trong những nét vẽ, ghi ta giúp họ giải toả những căng thẳng, thiếu thốn của cuộc đời sinh viên. Và ghita đưa họ đi đến tận cùng sâu thẳm những cảm xúc trong tâm hồn…

Những đêm bập bùng ghita với bè bạn trên những ban công gió lộng. Những đêm chìm sâu vào cung thanh cung trầm để quên đi nỗi nhớ mẹ cha. Những đêm cùng bạn bè tổ chức đàn hát quyên góp ủng hộ bạn nghèo… Và nhiều, nhiều không kể hết những lần mang theo cây đàn đến với những đêm văn nghệ ở những nơi Ngọc đi qua đã khiến tình yêu với âm nhạc dần tiếm ngôi trong trái tim chàng trai trẻ nhiều khát vọng. Những nét vẽ dựng xây công trình vật chất đã bị đẩy lùi bởi những hợp âm kiến tạo nên vẻ đẹp tâm hồn con người.

Bây giờ thì Ngọc đã bỏ phố hội phồn hoa, tạm cất những bản vẽ còn dang dở để đi theo tiếng gọi của âm nhạc. Cậu trở về quê nhà và chọn cho mình một không gian rất khiêm tốn tại quán cà phê Mộc nhỏ nhắn, nép mình trên phố Nguyễn Huy Tự. Mỗi đêm, Ngọc đều đặn đến quán cà phê, truyền kiến thức cho những người yêu mến cây đàn ghita. Thi thoảng, Ngọc còn tổ chức các đêm nhạc theo chủ đề và quy tụ những bạn trẻ mê say âm nhạc đến Mộc đàn hát cho nhau nghe…

Chuyện đêm ở phố

Ngọc nói, ai không hiểu rõ những việc em đang theo đuổi thì cho rằng em “sống ảo” với những điều vô cùng lãng đãng nhưng cả cuộc đời này em luôn mang lòng ơn huệ với niềm lãng đãng này. Ngọc đã đi từng bước một, chậm rãi và vững chắc trên vùng lãng đãng đó. Từ khao khát làm chủ 6 dây đàn, Ngọc đã có thể tự tin biến tấu theo suối nguồn cảm xúc của mình. Và kế đến là những nghiên cứu kỹ lưỡng, những học hỏi đa chiều để bây giờ cậu đã có thể tự biên soạn những giáo trình giảng dạy cho những người cùng đam mê. Vùng lãng đãng đó là những nét vẽ rời rạc đã được bàn tay vô hình xếp đặt thành đường, thành lối để Nguyễn Ngọc đến và ở lại lâu hơn với âm nhạc. Để cậu được khám phá thêm những ngóc ngách sâu thẳm của chính tâm tư mình…

Chuyện đêm ở phố

Trong một góc nhỏ của phố thị Thành Sen, đêm đêm người qua đường vẫn được nghe tiếng ghita. Khi là của một nhóm bạn trẻ có cùng đam mê. Khi là của những anh chị trung niên tìm lại giấc mơ đã đánh mất một thời tuổi trẻ. Có khi là của những em nhỏ đang nuôi nấng tâm hồn, trí tuệ bằng những thẳm sâu, vô bờ của thế giới âm nhạc. Và đó cũng là nơi Ngọc tiếp tục nuôi lớn một giấc mơ khác - hợp tác với bạn bè mở một trung tâm dạy đàn quy m ô lớn hơn. Đó cũng là nơi tạo động lực để bất kỳ lúc nào có lời mời là cậu lại tất tả ngược xuôi đến những miền xa – nơi có những trái tim cần được tiếp thêm động lực, nơi có những bàn tay cần được chỉ bảo để vẽ nên những cảm xúc tâm hồn trên 6 dây đàn gỗ. Phố thị có thêm những người trở về như Ngọc bỗng nhiên đằm sâu hơn, tha thiết hơn…

Chuyện đêm ở phố

Dẫu cho những công trình hiện đại, những dự án đầu tư lớn về dịch vụ gần đây đã khiến Thành Sen trở nên điệu đà và hiện đại hơn nhưng phố thị của tôi vẫn giữ nguyên nét mộc mạc, giản đơn. Phố đêm dẫu có xôn xao, ồn ào cũng là thứ âm thanh rất đỗi hiền hoà. Ấy là vài ba tiếng rao đêm lạc lõng của những cư dân “ngụ cư” từ phương Bắc bán bánh bao đêm. Ấy là những đêm mùa đông, bạn bè tụm năm, tụm bảy xuýt xoa bên bếp than cùng ăn một củ khoai, vài bắp ngô nướng. Ấy là những đêm mùa hạ nóng nực tràn ra vỉa hè uống nước chè đá, cắn hạt hướng dương ở những quán hàng chị Quế, chị Huyền, chị Hải…

Chuyện đêm ở phố

Gần 20 năm bán nước chè đêm trên phố Phan Đình Phùng, chị Quế là một trong những địa chỉ “ruột” của rất nhiều thế hệ thanh niên Hà Tĩnh. Chị Quế người gốc Thành Sen, chị thuộc Thành Sen như thuộc bài học vỡ lòng. Chị có thể kể vanh vách về những công trình, những hàng quán từ thời xa xưa của thị xã… Chị còn nắm rõ biết bao câu chuyện về con người giữa lòng phố thị. Và tôi, đã thấm đẫm về phố thị Thành Sen nhiều hơn qua những lần ngồi “cà kê” khuya thật khuya bên quán hàng của chị.

Quán nước của chị Quế nhỏ bé, chỉ vẻn vẹn mấy thùng nước chè, nước nhân trần, dăm quả ổi, đĩa xoài, đĩa mận và hướng dương rang. Hướng dương tự rang vô tình đã trở thành món “tủ” của chị, khiến nhiều người vì nhớ vị thơm mà đến. Đã bao nhiêu năm rồi nhưng chị vẫn giữ thói quen ấy. Cứ 5h chiều là bắc bếp lên rang hướng hương rồi ủ vào một cái thùng để giữ nóng. Tối đến, khi khách gọi, hướng hương đem ra vẫn còn ấm, giòn và dậy thơm chứ không nhạt mùi như thứ hướng dương sấy sẵn ngoài chợ…

Chuyện đêm ở phố

Chị Quế là một người bán hàng vui vẻ. Chị nói, mình ngồi ở ngay trung tâm thành phố, khách thập phương nhiều lắm, nếu mình không vui vẻ chuyện trò với họ thì họ sẽ đánh giá người Hà Tĩnh thiếu thân thiện. Chính bởi sự thân thiện của chủ quán mà nhiều người đi xa, mỗi lần trở về đều tìm đến quán của chị, thậm chí có những du khách từng nhiều lần ghé lại vì cảm mến chị bán hàng…

Chuyện đêm ở phố

Sau những ồn ã mộc mạc ấy, nối sâu vào đêm khuya là một phố đêm tịch lặng. Chính sự tịch lặng ấy đã níu tôi vào gần hơn với phố. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác xa lạ hồi tôi bắt đầu cuộc sống mới ở Thành Sen lúc bấy giờ vẫn còn là thị xã. Phố với tôi lúc ấy thật lạ lẫm. Chỉ khi tôi đi sâu vào những tịch lặng đêm khuya tôi mới tìm thấy mình trong phố. Tôi không còn nhớ biết bao lần phố thị giúp tôi vùi chôn đi những nỗi niềm đắng đót của một thời tuổi trẻ. Có thể đó chỉ là những hàng cây lặng phắc, một rặng lan tiêu thắp lửa giữa đêm hè, một cây hoàng lan âm thầm toả hương nơi góc phố vắng, một cây cầu bắc qua dòng sông lặng lẽ, một góc nhỏ cà phê có bạn bè tôi ôm ghita cất lên những bài ca hoài niệm về những yêu thương, nhung nhớ của đời người…Và cũng có thể đó là những con người chưa từng quen biết, đã xích lại gần tôi trong cùng một mối quan tâm mơ hồ nào đó…

Chuyện đêm ở phố

Sự tịch mịch không chỉ đã cho tôi gần hơn với phố mà còn cho tôi dễ dàng bước vào trong phố mà tự tin nói rằng “phố của tôi”. Bây giờ, có ngồi yên một chỗ tôi cũng có thể mường tượng những con đường, những góc nhỏ với những quán hàng khuya lặng lẽ. Bây giờ, dẫu ở thời điểm nào tôi cũng có thể thấy rõ những hàng cây thay lá đứng tịch lặng dưới ánh đèn cao áp ven hào thành, về những ao sen thơm ngát ở những nẻo vào ra thành phố.

Chuyện đêm ở phố

Chỉ cần nhắm mắt tôi cũng có thể mường tượng mùi hoa me dọc phố Nguyễn Chí Thanh, vẫn có thể nghe rõ tiếng quả ngô đồng rơi vỡ giữa sương đêm mùa thu ngoài công viên Trần Phú… Và, tôi, không bao giờ có thể quên được hình ảnh của nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh lặng lẽ ngồi bên thư án làm việc với từng con chữ, với ngồn ngộn tư liệu quý giữa đêm khuya tịch mịch. Giờ đây, ở chốn vô thường xa xôi, hẳn là ông cũng cồn cào nhớ phố, nhớ căn phòng nhỏ nơi góc phố Xuân Diệu nơi hơi ấm của ông chưa bao giờ vơi…

Chuyện đêm ở phố

Sâu hơn nữa vào canh 3, canh 4 của đêm, khi đa số cư dân phố thị đang say sưa giấc nồng thì những người làm nghề truyền thống đã lục tục dậy sửa soạn. Đâu đó là tiếng lao xao của những thợ luộc giò ở nhà bà Nuôi, chị Hợi, là tiếng sôi leo reo ở những chảo mỡ của bà Hoa bánh rán, là tiếng sửa soạn gói ram, nấu nước tráng bánh ở quán ram bánh mướt bà Sim, là lục tục soạn sửa nấu chè, nấu tào phớ của những chị người Huế trong các xóm trọ… Để sáng mai, khi cả phố thị bừng thức, những món ăn sáng quen thuộc đã sẵn sàng phục vụ. Để đâu đó trên những nẻo đường, ta lại gặp những hàng bánh rán, bánh mướt, tào phớ, chè Huế đi rong, gặp anh chàng không tuổi gánh trên vai đôi bao tải đựng đầy bánh đa nướng và nghêu ngao hát “qua lối nhỏ vào nhà em, muốn ghé vào thăm sợ ba má không vừa lòng…”.

Tất cả đều bước ra từ đêm và đêm khuya sâu thẳm!

Ảnh: huy tùng

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Xuân về cùng mùa hoa

Xuân về cùng mùa hoa

Khi thời gian dần dịch chuyển về những ngày cuối cùng của năm cũ cũng là lúc người trồng hoa, chăm bón cây cảnh ở Hà Tĩnh tất bật chuẩn bị cho một mùa xuân mới.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Thực hiện mục tiêu thu hút hơn 14 vạn lượt du khách trong năm 2025, các đơn vị quản lý, kinh doanh tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) đang tập trung nguồn lực chuẩn bị cho mùa lễ hội.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Tiết mục Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát. Soạn lời: NSND Nguyễn An Ninh. Biểu diễn: Nghệ nhân Văn Sang - Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.
Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi. Thơ: Nguyễn Công Trứ. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.