Công suất máy phải phù hợp với diện tích phòng
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí cho biết, nhiều người gọi điện hỏi ông, nếu ngày nào cũng bật điều hòa 8 tiếng thì mất khoảng bao nhiêu số điện? Thực ra điện tiêu tốn của điều hòa phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là phụ thuộc vào công suất điều hòa, máy 9.000 BTU mà lắp ở phòng nhỏ sẽ tốn ít điện hơn nhiều máy 24.000 BTU lắp ở phòng lớn.
Trường hợp phòng rộng mà lắp máy có công suất nhỏ thì điện năng sẽ tiêu tốn nhiều hơn nữa do máy phải chạy liên tục để làm lạnh, không có thời gian nghỉ. Khi đó tuổi thọ của máy cũng giảm đáng kể. Do vậy khi lắp đặt điều hòa, cần tham khảo thông số của nhà sản xuất và dựa trên diện tích phòng để lắp máy có công suất phù hợp.
Thực tế thì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tiêu tốn điện năng cho điều hòa. Ví dụ, phòng ở không cách nhiệt tốt, không kín khí hoặc sử dụng máy điều hòa lâu năm, công nghệ cũ thì càng tốn nhiều điện hơn.
Lắp đặt máy điều hòa không đúng cách cũng làm tiêu tốn nhiều điện năng, thậm chí làm cháy, hỏng máy. Ví dụ như dàn nóng ở bên ngoài lắp ở vị trí mà ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp hoặc có vật cản che phía trước, dàn lạnh trong phòng nếu lắp không đúng vị trí khiến không khí điều hoà không được phân phối đồng đều trong phòng cũng là nguyên nhân gây tốn điện...
Nên cài nhiệt độ không chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời để tiết kiệm điện.
Thứ hai, điện tiêu thụ cho điều hòa phụ thuộc vào nhiệt độ ngoài nhà và nhiệt độ cài đặt trong nhà. Độ chênh này càng cao thì điện tiêu thụ càng lớn. Tương tự như bơm nước, chênh lệch độ cao bơm càng lớn thì càng tốn điện. Bơm 1m3 nước lên nhà 6 tầng lâu và tốn điện gấp đôi so với bơm lên nhà 3 tầng. Điều hòa cũng vậy, nhiệt độ trong nhà 27 độ C như nhau, nhưng nhiệt độ ngoài nhà là 35 độ C (chênh lệch 8 độ) sẽ tốn điện gấp đôi so với khi nhiệt độ ngoài nhà là 29 độ C (chênh nhau 4 độ). Do vậy vào mùa thu, mùa xuân, khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 26 độ C thì không nên dùng điều hòa.
Bật điều hòa ban ngày tốn điện gấp đôi ban đêm
“Ban ngày nắng nóng hơn ban đêm nên máy hoạt động 8 tiếng ban ngày có thể tốn điện gấp đôi so với hoạt động ban đêm”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Ngoài ra, điều hòa tiêu tốn nhiều điện còn do thói quen của người sử dụng. Nhiều người bật máy lên là cài đặt nhiệt độ xuống thấp nhất có thể. Việc làm đó không làm cho nhà mát nhanh hơn mà còn lãng phí điện năng không cần thiết. Cứ giảm xuống 1 độ thì điều hòa đã tốn thêm 5-7% điện năng. Do đó, đặt nhiệt độ trong phòng càng gần nhiệt độ ngoài trời thì sẽ tiết kiệm điện. Hoặc nhiều người có thói quen chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa. Trong trạng thái này, điều hòa vẫn tiêu thụ khoảng 15W điện chờ, tức là cỡ 2 bóng đèn nhỏ.
Tủ lạnh và điều hòa là hai thiết bị tốn nhiều điện nhất khi trời nắng nóng. Đối với tủ lạnh gia đình, vì để bảo quản thực phẩm nên công suất động cơ tuy nhỏ (tùy theo cỡ tủ từ 60W-250W) nhưng chạy gần như quanh năm nên tiêu thụ điện cũng không nhỏ. Vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao thì điện năng tiêu thụ cho tủ lạnh cũng tăng.
Đối với điều hòa gia dụng cỡ lớn (750W đến 1900W, thường chỉ được dùng khi trời nóng hoặc lạnh, ít dùng vào lúc giao mùa xuân thu. Nhưng vì công suất lớn nên tiêu thụ điện nặng rất nhiều. Có thể nói là khi bật điều hòa, điện tiêu thụ sánh ngang với việc bật bếp điện lên để đun nấu.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyên, để tiết kiệm điện thì cách đơn giản nhất là dùng ít đi, cài đặt nhiệt độ phòng cao nhất có thể, đóng kín cửa nhưng phải thông gió cho phòng sau mỗi 3-4h sử dụng để đủ dưỡng khí. Khi nhiệt độ ngoài nhà xuống dưới 26 độ C thì nên tận dụng gió trời xuyên phòng làm mát phòng để đỡ phải bật điều hòa.
Một số lưu ý sử dụng điều hòa để tiết kiệm điện: - Phòng ở: Che nắng cho cửa sổ phía ngoài, có rèm cửa phía trong - Máy điều hòa: Chọn mua máy chính hãng, công nghệ mới, càng nhiều sao tiết kiệm năng lượng càng tốt. Máy 5 sao có thể tiết kiệm năng lượng tới 23% so với máy 1 sao. - Lắp đặt chuẩn: + Dàn nóng đặt ở chỗ thoáng, mát, không bị ánh nắng chiếu vào, không bụi bẩn, không ngược chiều gió. + Dàn lạnh cũng phải được đặt ở nơi thoáng, phân phối được đều gió cho cả phòng. + Ống ga nối hai dàn càng ngắn càng tốt (giới hạn đối với điều hòa phòng là 5m). + Chênh lệch chiều cao giữa dàn nóng và dàn lạnh càng nhỏ càng tốt (giới hạn đối với điều hòa phòng là 3m). + Hút chân không phải thật tốt, nếu còn sót khí không ngưng trong hệ thống thì điện tiêu thụ sẽ tăng. + Nạp ga vừa đủ, thiếu ga hoặc thừa ga đều làm cho máy “ăn” điện nhiều hơn. - Nên đặt nhiệt độ từ 25 độ C trở lên vào ban ngày, từ 27 – 28 độ C vào ban đêm. - Dùng thêm quạt máy khi đang bật điều hòa cũng có thể tiết kiệm năng lượng khoảng 10%. - Tắt hoàn toàn điều hòa bằng aptômat khi đi ra ngoài. - Định kỳ 1 lần/năm vệ sinh bụi bẩn cho dàn nóng và dàn lạnh, 2 lần/tháng đối với lưới lọc bụi cho dàn lạnh. |